Đồi Tức Dụp An Giang chuẩn bị đón khách du xuân

Đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang) còn được biết đến với cái tên “Ngọn đồi 2 triệu đô-la”, niềm kiêu hãnh của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài dấu ấn về trận đánh nổi tiếng 128 ngày đêm vào cuối năm 1968 đầu năm 1969, Tức Dụp còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng chứa đựng nhiều huyền bí. Những ngày cuối năm, đến Tức Dụp để thưởng thức các món ăn ngon và tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn cũng là một điều thú vị, giúp con người như quên đi bao vất vả trong công việc thường nhật…
Đồi Tức Dụp An Giang chuẩn bị đón khách du xuân

Đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang) còn được biết đến với cái tên “Ngọn đồi 2 triệu đô-la”, niềm kiêu hãnh của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài dấu ấn về trận đánh nổi tiếng 128 ngày đêm vào cuối năm 1968 đầu năm 1969, Tức Dụp còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng chứa đựng nhiều huyền bí. Những ngày cuối năm, đến Tức Dụp để thưởng thức các món ăn ngon và tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn cũng là một điều thú vị, giúp con người như quên đi bao vất vả trong công việc thường nhật…

Mặt hồ thơ mộng dưới chân Tức Dụp

Mặt hồ thơ mộng dưới chân Tức Dụp

“Chuyện kể rằng, thuở sơ khai của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô để tắm rửa và đùa nghịch bên dòng suối mát. Một hôm, các nàng chơi trò ném đá xuống chân núi. Đá rơi chồng chất lên nhau tạo thành ngọn đồi con, dòng suối tắm đổ xuống chảy luồn lách qua ngọn đồi ấy. Từ xa, nhìn ngọn đồi kết hợp với núi Cô Tô chim phượng hoàng nên Cô Tô còn có tên gọi là Phụng Hoàng Sơn. Về sau, những người đi khai hoang mở đất đến đây, gặp mùa nắng hạn, đêm nằm họ không ngủ được, khát cháy ruột gan. Bỗng giữa đêm khuya, người ta nghe tiếng nước róc rách, phát hiện ra giữa quả đồi khô hạn có dòng suối mát chảy qua. Từ đó ngọn đồi có tên gọi Tức Dụp (theo tiếng Khmer Khơ-me có nghĩa là “nước đêm”). Vào các ngày lễ, sư sãi và già làng mang lễ vật đến cúng thánh thần, trời đất rồi rước nước suối về phum sóc…”

Đó là đôi nét về huyền thoại hình thành nên đồi Tức Dụp, thường được các hướng dẫn viên du lịch kể cho khách nghe mỗi khi có đoàn đến tham quan. Chẳng biết câu chuyện ấy có thật hay không nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu địa chất thì Tức Dụp quả là ngọn đồi kỳ lạ. Tuy chỉ có chiều cao 216m, diện tích trên 2km2, nhưng được thiên nhiên cấu trúc rất độc đáo: Các tảng đá lớn, nhỏ chồng chất lên nhau tạo thành hệ thống nhiều hang sâu, động lớn, ngõ ngách chằng chịt như mạng nhện nhưng tất cả đều thông với nhau như có bàn tay siêu nhiên nào thiết kế. Chính vì vậy, trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, bao nhiêu bom đạn của kẻ thù đã dội vào đây nhưng vẫn không làm suy suyển được Tức Dụp cũng như ý chí chiến đấu của quân dân ta chỉ làm “Tức ngực” như bộ đội ta nói vui, còn bọn lính ngụy phải hậm hực gọi là đồi “Tức chết”...

Sau khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử kháng chiến, Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đã đầu tư, cải tạo nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Các di tích lịch sử như: Hang C6, hang Quân y, Thanh niên, Hội trường Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy quân sự, Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, hang Tiên Nữ… đã được gìn giữ, tôn tạo lại. Mỗi hang có một vẻ độc đáo với những khối đá đan xen muôn hình vạn trạng. Công ty còn xây dựng bảo tàng chứng tích chiến tranh, đường du ngoạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quầy lưu niệm, đưa vào phục vụ nhiều trò chơi cho khách… với mục tiêu phát triển Tức Dụp thành khu du lịch trọng điểm của vùng biên giới Tây Nam tổ quốc.

Tức Dụp ngày càng hấp dẫn du khách

Tức Dụp ngày càng hấp dẫn du khách

Ông Nguyễn Tấn Lợi, Giám đốc Khu du lịch (KDL) Đồi Tức Dụp, cho biết, lượng khách đến tham quan tại đây ngày càng tăng cao. Trong năm 2011, KDL đã đón hơn 150.000 khách đến tham quan, tăng 12% so với năm 2010. Ước tính dịp Tết nguyên đán sắp tới, lượng khách đến tham quan sẽ đạt con số 45.000 người, tăng 10% so với Xuân Tân Mão 2011. Nhằm chuẩn bị đón khách du xuân, KDL đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng để sửa chữa hệ thống hang động, xây dựng mới khu ẩm thực dân gian, trang trí đường hoa, bổ sung nhiều loại hoa kiểng… Trong những ngày Tết, KDL sẽ phục vụ chương trình ca múa nhạc tổng hợp mừng Đảng mừng Xuân, biểu diễn Lân Sư Rồng – Mai Hoa Thung, biểu diễn Xiếc – Ảo thuật – Khí công, đờn ca tài tử, giao lưu hát karaoke… Ngoài ra, có nhiều trò chơi dành cho người lớn và trẻ em như: Tàu lượn trên không, du thuyền, thuyền chao, nhảy Mai Hoa Thung, đi cầu khỉ, câu cá sấu giải trí, thả mồi cho cá ăn… Riêng khu trò chơi dân gian sẽ có phần thưởng là nón tai bèo Tức Dụp, khu Thể thao quốc phòng phục vụ du khách bắn súng bằng đạn thật. Bên cạnh đó, KDL còn phục vụ cho thuê trang phục để du khách hóa trang thành bộ đội và du kích, hóa trang người dân tộc Tây nguyên, được cỡi ngựa để chụp ảnh lưu niệm với ngọn đồi nổi tiếng trong những ngày đầu xuân…

 Bài, ảnh: HOÀNG THIÊN

Tin cùng chuyên mục