Đôi vai mềm vững chãi

Yêu và chấp nhận làm vợ một thương binh, họ xác định mình sẽ thiệt thòi nhiều. Nhưng với họ, so với sự hy sinh của người chồng cho đất nước, cho nhân dân thì những thiệt thòi đó không đáng là bao. Hàng chục năm qua, những người vợ tảo tần ấy luôn thủy chung, kiên cường để trở thành bờ vai vững chắc cho chồng; chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ cùng người dân khó khăn xung quanh.
Gia đình nhỏ của bà Phạm Mỹ Lan và ông Lê Văn Miền luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc trong hơn 40 năm qua
Gia đình nhỏ của bà Phạm Mỹ Lan và ông Lê Văn Miền luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc trong hơn 40 năm qua

Tình yêu vượt mọi đớn đau

Ở khu phố nơi gia đình bà Lê Hồng Ngọc và chồng là thương binh 1/4 Nguyễn Hải Quý (ngụ phường 1, quận Phú Nhuận, TPHCM) sinh sống, ai cũng cảm phục trước tình cảm, sự tận tụy và cách bà Ngọc chăm lo cho chồng. Hơn 38 năm qua, bằng tất cả tình yêu thương của người vợ, bà Ngọc đã giúp chồng vượt qua những cơn đau thể xác, tinh thần để sống vui bên người thân.

Ngày đón chồng trở về từ chiến trường Tây Nam với tỷ lệ thương tật 92%, liệt hoàn toàn 2 chi dưới, bà Ngọc đã xác định mình phải là chỗ dựa vững chắc cho chồng. Trong trận chiến khốc liệt năm ấy, đơn vị ông Quý khi đang trên đường vận tải vũ khí thì chẳng may xe cán phải mìn. Cả đơn vị chỉ còn mỗi ông Quý may mắn sống sót nhưng vết thương quá nặng khiến ông bị hôn mê và được đưa về nước điều trị. Kết quả giám định y khoa, ông bị đứt tủy, bể cột sống, liệt 2 chi dưới, trọng thương cột sống thân sau và bể xương chậu. Khi ấy, bác sĩ đã chẩn đoán ông Quý chỉ sống được khoảng 5 năm. Nhưng chính tình yêu của người vợ đã giúp ông Quý vui sống đến ngày hôm nay.

Bà Ngọc xúc động khi nhắc về ngày bà tìm thấy chồng trong bệnh viện với thương tật gần như người đã chết. “Anh ấy từ chối và nói không quen biết tôi. Tôi hiểu anh ấy lo sợ tôi khổ. Nhưng tôi đã khẳng định với anh dù anh có thế nào em cũng yêu thương anh. Vì anh đã hy sinh cho đất nước, cho nhân dân, cho em mà”, giọng bà Ngọc rưng rưng nhớ lại. Khi ấy, bà Ngọc còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 20 tuổi, nhưng bà quyết định tạm dừng công việc giáo viên mầm non để dành toàn tâm chăm sóc cho chồng.

Bà Ngọc kể, vết thương hành hạ khiến hàng đêm ông Quý chỉ ngủ được hơn 1 tiếng. Để giúp chồng vơi bớt cơn đau, bà kể chuyện, đọc sách, dìu đỡ ông Quý trở mình qua lại. Cứ như thế, ngày qua ngày, bà Ngọc và chồng san sẻ cùng nhau những vui buồn, đau đớn bằng tình yêu thương và sự chăm sóc tận tụy. Nhìn cách bà Ngọc chăm sóc chồng mới thấy hết tình yêu, nghĩa vợ chồng bà dành cho ông.

Hạnh phúc từ những thiệt thòi

Còn với bà Phạm Mỹ Lan (ngụ phường 4, quận 6, TPHCM), ngày bà thương và nhận lời làm vợ người thương binh 1/4 Lê Văn Miền, bà đã biết ông là thương binh hạng nặng, liệt 2 chi, sức khỏe yếu. Thế nhưng, vì cảm mến tính tình hiền lành, chất phác của người lính bộ đội ấy mà bà Lan quyết định đến với ông để có thể chăm sóc ông những lúc ốm đau.

Làm công tác phụ nữ, sau nhiều lần qua lại thăm nom người thương binh hiền lành, bà Lan đem lòng yêu mến ông Lê Văn Miền. Bà Lan chia sẻ, khi ấy, bà chỉ nghĩ ông Miền đã phải chịu nhiều gian khổ nơi chiến trường, thương tật của ông là sự hy sinh cho đất nước, trong đó có bà; ông lại hiền hòa, có đạo đức nên bà tin ông sẽ trở thành người chồng tốt của mình. “Ngày ấy, gia đình tôi không ngăn cản, chỉ khuyên tôi suy nghĩ kỹ càng vì lo tôi khổ. Nhưng tôi nghĩ, được gặp nhau, cảm mến nhau là cái duyên. Sinh thời, Bác Hồ đã dành nhiều tình yêu thương đặc biệt cho thương binh, bệnh binh, nhiều việc làm của Bác đã giúp vơi đi nỗi đau thể xác của những thương binh đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc, thì việc tôi ở bên cạnh để chăm sóc anh ấy là điều rất nên làm. Và với tính tình nhân hậu của anh, tôi tin mình sẽ hạnh phúc”, bà Lan bày tỏ.

Suốt 40 năm đến với nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn, gian khổ của cuộc sống hàng ngày, cũng có lúc vợ chồng giận nhau, nhưng bà Lan cho biết tuyệt nhiên họ không có những lời nói làm tổn thương nhau. Trong công việc hàng ngày, việc gì trong khả năng, có thể phụ giúp vợ, ông Miền đều làm; và những công việc bà Lan thích như công tác hội phụ nữ, làm công tác từ thiện, những việc không tên ở khu phố,… ông đều để bà làm thoải mái, miễn bà vui khỏe. “Tôi biết bà ấy lấy tôi là đã chịu nhiều khổ cực. Tôi không thể đưa vợ con đi du lịch, chở vợ con vui chơi, đi dạo mỗi cuối tuần, cũng không thể đi làm để vợ con có cuộc sống khá giả. Đó là thiệt thòi cho vợ tôi”, ông Miền tâm sự. Thế nhưng, với bà Lan, dù có vất vả một chút nhưng lúc nào bà cũng có ông bên cạnh động viên, khuyến khích. Chồng bà chính là chỗ dựa, là niềm động viên để suốt những năm tháng qua bà luôn thấy mình là người hạnh phúc.

Ngày Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức họp mặt vợ thương binh, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cõng chồng là ông Võ Văn Thanh (thương binh 1/4 với tỷ lệ thương tật 91%) từ xe lăn vào hội trường. 36 năm qua, bà Ngọc chính là đôi chân của chồng khi cõng ông đi khắp mọi nơi. Nhất là trong 9 năm gần đây, hàng ngày bà phải đưa ông đến bệnh viện để chạy thận. “Ngày tôi nhận lời làm vợ anh ấy, tôi đã xác định sẽ đồng cam cộng khổ cùng anh ấy. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi thấy chỉ cần khỏe mạnh, sống vui vẻ cùng nhau đã là hạnh phúc vô bờ”, bà Ngọc cười lạc quan.

Tin cùng chuyên mục