Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với bối cảnh mới

Trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, không tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện, đồng nghĩa với không còn các trung tâm chính trị quận, huyện. Trong khi đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Để nhiệm vụ này không gián đoạn, chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là cần thiết.

Nhiều thuận lợi

Chị Nguyễn Hồng Tâm, công chức công tác tại quận 10 (TPHCM), đang học khóa trung cấp lý luận chính trị. Chị Hồng Tâm đăng ký học ở gần nhà (quận Tân Bình) để tiện sắp xếp việc gia đình, nhưng ngặt nỗi, cơ quan lại ở quận 10, vì vậy sau giờ làm, chị chạy về rước con rồi mới vào lớp.

O3a.jpg
Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2025 trong học tập và làm theo Bác được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu TPHCM và trực tuyến tại 389 điểm cầu cơ sở với gần 28.300 đại biểu tham dự. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chị Hồng Tâm lo lắng, đến ngày 30-6 là phải thực hiện sắp xếp xong đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện. Khi đó, khóa học của chị không biết sẽ tiếp tục ở đâu. Nếu địa điểm học không thuận lợi, chị khó đảm bảo được số buổi lên lớp đúng giờ. Chị Hồng Tâm cũng như nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mong muốn TPHCM thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trực tuyến để thuận lợi hơn cho các học viên.

Trên thực tế, hình thức bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị trực tuyến không mới. Thời điểm phòng chống dịch Covid-19, tại TPHCM, cùng với các bậc đào tạo khác, việc bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị đã triển khai đại trà và được đánh giá có hiệu quả. Từng học trực tuyến vào thời điểm phòng chống dịch, ông Vũ Thanh Phú (ngụ quận 12) cho biết các học viên trong lớp học khá nghiêm túc. Giảng viên theo dõi học viên online qua màn hình, giảng dạy và tương tác hoàn toàn bình thường. Những học viên được gọi tên để tương tác cùng giảng viên mà không phản hồi thì coi như vắng mặt. “Khi giảng viên quản lý nghiêm túc, làm đúng quy định thì lớp học hoàn toàn nghiêm túc và chất lượng buổi học đảm bảo”, ông Vũ Thanh Phú nhận xét từ trải nghiệm của bản thân. Bên cạnh đó, vì học online nên tài liệu được cập nhật thường xuyên với các bài giảng dễ hiểu, ngoài nghe, học viên còn được đọc lại nội dung bài học.

PGS-TS Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, nhận xét, việc chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị mang lại nhiều lợi ích. Đó là việc tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị theo hình thức học từ xa, trực tuyến mà không nhất thiết phải học tập trung tại cơ sở đào tạo. Cán bộ, đảng viên tham gia trên nền tảng số có thể học tập bất cứ ở đâu, khi nào. Kết quả được đánh giá khách quan bằng công cụ số hóa trên mạng internet, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, giảm tải cho các cơ sở đào tạo hiện nay...

Đề xuất giải pháp phù hợp

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị) đã thực hiện chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở qua internet. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức được 7 lớp trực tiếp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở (đối tượng 5), với hơn 1.200 học viên. Giữa năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thí điểm mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị qua internet cho 250 cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn. Về phương pháp giáo dục, cần chú ý đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Từ kết quả lớp thí điểm, tháng 9-2024, đơn vị tổ chức lớp thứ 2 cho 900 cán bộ, đảng viên đến từ các tổ chức cơ sở đảng của huyện ủy, thị ủy, thành ủy trên địa bàn. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng trị, kết quả bước đầu gợi mở hướng đi hiệu quả, tăng số lượng học viên, nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị, khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý và kinh phí của các địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, cho biết, việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trực tuyến đã được Học viện Cán bộ TPHCM áp dụng thời điểm phòng chống dịch Covid-19. Học viện Cán bộ TPHCM đang tiếp tục duy trì tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các khóa bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính… “Hình thức học này có nhiều ưu điểm, song cũng có những sự cố phát sinh như đường truyền đôi khi bị nghẽn. Điều này ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập, không có sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và học nên cũng cần tính toán kỹ lưỡng”, PGS-TS Nguyễn Văn Y nói.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Nguyên Khôi, Phó trưởng Phòng Lý luận Chính trị, Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM, cho biết, thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành những lớp đang tổ chức tại các trung tâm chính trị quận, huyện và TP Thủ Đức đến khi có chủ trương, quy định mới của Trung ương, TPHCM. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM sẽ tham mưu, phối hợp, đề xuất công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp thực tiễn, chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, đúng quy định.

- Đồng chí TĂNG HỮU PHONG, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM:

Có cơ sở tính toán hình thức bồi dưỡng trực tuyến

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hình thức trực tuyến là điều hoàn toàn có thể tính toán được. Thực tế, Trung ương và TPHCM đã tổ chức nhiều đợt triển khai các hội nghị quán triệt nghị quyết, thông tin thời sự theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thậm chí kết nối từ điểm cầu trung ương đến cơ sở, xuống tận các phường, xã.

Kết quả của các đợt sinh hoạt chính trị này rất khả quan. Chẳng hạn, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được diễn ra trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và kết hợp trực tuyến đến 14.535 điểm cầu với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự. Ngay sau hội nghị, với khối lượng công việc khổng lồ nhưng cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã nhanh chóng nhập cuộc, triển khai thực hiện rất quyết liệt... Từ những kết quả trên, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy sẽ nghiên cứu, tham mưu Thành ủy TPHCM các giải pháp bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị phù hợp với thực tiễn và chủ trương chung.

- Bà NGUYỄN TRUNG CHÂU TUYÊN, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy quận 1, TPHCM:

Xây dựng trung tâm chính trị vệ tinh

Ở góc độ địa phương, tôi nhận thấy việc bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trực tuyến cho cán bộ, đảng viên là xu hướng cần thiết mà thành phố cần nghiên cứu, triển khai. Hình thức này giúp tiết kiệm thời gian đi lại của học viên cũng như chi phí về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, phải đảm bảo về đường truyền riêng biệt và kỹ thuật tốt, nhất là lưu ý đến an ninh mạng, tránh trường hợp bị các đối tượng lợi dụng, cài chèn các nội dung tiêu cực, phản động trong quá trình giảng dạy và học tập.

Khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, ngoài Học viện Cán bộ TPHCM là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chính trị, cần có một số trung tâm chính trị vệ tinh, đặt tại các khu vực để đảm bảo thuận lợi cho công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên.

Tin cùng chuyên mục