Nhìn lại chung cư Hà Nội sau 10 năm phát triển

Bài 2: Quản lý chung cư - làm sao thuận cả đôi đường?

Bài 2: Quản lý chung cư - làm sao thuận cả đôi đường?

Khi giấc mơ chung cư đã trở thành hiện thực, người ta bắt đầu làm quen với môi trường sống mới. Những bất cập đầu tiên của đời sống đô thị hiện đại cũng dần lộ diện. Đã hơn 10 năm qua, “cuộc chiến” giữa Ban quản lý (BQL) chung cư và các hộ dân vẫn diễn ra, lúc âm thầm, lúc sôi sục và chưa có hồi kết.

“Cuộc chiến” dai dẳng

Hiện Hà Nội có khoảng gần 200 chung cư mới đã đi vào hoạt động. BQL các tòa nhà này rất vất vả với chuyện người dân tỏ ra “xa lạ” với môi trường sống mới. Đầu tiên là những thói quen “thâm căn cố đế”: xả rác, khạc nhổ bừa bãi, nói chuyện cười đùa như giữa chốn không người, bật nhạc ầm ĩ, nhả bã kẹo cao su ra bất cứ chỗ nào, phơi quần áo ngoài ban công, thậm chí dùng cả giấy không tiêu để thả vào bồn cầu... Nhiều người cả đời chưa đi thang máy bao giờ nên liên tục nhầm lẫn, bấm loạn các nút điều khiển khiến BQL phải ứng cứu... Lại có những người, tự cho rằng mình bỏ tiền tỷ để mua nhà nên có toàn quyền sử dụng, chẳng cần xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán, cứ vô tư đục phá sửa chữa.

Bài 2: Quản lý chung cư - làm sao thuận cả đôi đường? ảnh 1

Khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính, nơi “cuộc chiến” về nước sạch của người dân và BQL vẫn đang tiếp diễn.

Nhớ lại “thuở ban đầu” đó, ông Nguyễn Hạnh, CT4 Linh Đàm, cho biết: “Phải mất một thời gian, ít nhất là một năm sau người dân mới thích nghi được môi trường mới và quen với nếp sống ở chung cư hiện đại”. Trong số ngót 200 chung cư, số nơi hình thành được nếp sống phù hợp như Linh Đàm, Trung Hòa Nhân Chính, The Manor, Ciputra… không phải là nhiều.

Nếu BQL các khu chung cư tỏ ra khá phiền lòng vì các cư dân của mình thì ngược lại, các cư dân cũng rất bức xúc về chất lượng phục vụ của BQL. Nhiều người dân “vỡ mộng chung cư” khi bỏ ra tiền tỷ để nhận lại một cuộc sống không giống như những lời hứa hẹn của các chủ đầu tư. “Cuộc chiến” giữa cư dân chung cư với BQL cứ thế diễn ra, thường thì âm thầm, nhưng cũng có lúc sôi sục như chảo lửa.

Điển hình là khu chung cư 27 Huỳnh Thúc Kháng (do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư), một trong những khu chung cư có vị trí đẹp của Hà Nội. Ngay khi giá mua chung cư ở những khu bình thường từ 4 đến 5 triệu đ/m2 thì khu này đã được bán với giá gấp đôi. Thế nhưng, chỉ sau ít ngày nhận nhà, các cư dân đã liên tục lên tiếng về việc chất lượng cuộc sống của khu nhà: không có chỗ vui chơi giải trí, giá dịch vụ tăng cao… Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm vào giữa năm 2007, khi BQL đòi tăng các loại phí dịch vụ, đơn cử phí gửi ô tô tăng từ 250.000đ lên 400.000đ/tháng.

Cũng như vậy, 15 tòa nhà thuộc khu Trung Hòa - Nhân Chính, được coi là khu đô thị chuẩn với giá mua có lúc tới 25 triệu/m2, nhưng cư dân ở đây vẫn không ngừng than phiền về chất lượng dịch vụ. Gay gắt nhất là vụ việc người dân trả tiền mua nước sạch nhưng chất lượng nước sinh hoạt lại bị nhiễm bẩn. Đó là chưa kể hàng loạt các vụ mâu thuẫn căng thẳng tại các tòa chung cư khác như The Manor, 101 Láng Hạ, M3-M4 Nguyễn Chí Thanh… Cho đến nay những “cuộc chiến” đó vẫn đang tiếp diễn.

Ai là chủ chung cư?

Luật Nhà ở quy định tại các khu chung cư, sau 1 năm đưa vào sử dụng phải thành lập Ban quản trị (BQT). Tuy nhiên, hiện nay hầu như các khu chung cư đều chưa có BQT, hoặc có cũng như không vì không nhận được sự ủng hộ của chủ đầu tư và chính quyền. BQT toà nhà 18-T2 (khu Trung Hòa- Nhân Chính) được coi là BQT đầu tiên của Hà Nội được thành lập theo đúng luật định. Mặc dù chưa có một hành lang pháp lý quy định cụ thể mô hình và quyền hạn của BQT, song với tòa nhà này, BQT cũng đã làm được việc quan trọng là đáp ứng được những đòi hỏi quyền lợi chính đáng của cư dân.

Ông Bùi Bá Nhuận,Trưởng BQT đồng thời là tổ trưởng dân phố của tòa nhà này cho biết, cách đây 1 năm, BQL tòa nhà đòi tăng mức thu phí dịch vụ ở đây từ 30.000đ/hộ/tháng lên 310.000đ/hộ/tháng. Để đảm bảo quyền lợi cho dân, BQT đã vào cuộc, yêu cầu BQL xây dựng lại giá cả trên tinh thần công khai minh bạch. Một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa BQL và những người đại diện cho dân kéo dài. Kết quả là, đến nay, người dân ở đây vẫn chỉ phải đóng mức phí 30.000đ/tháng, mức rẻ nhất trong tất cả các khu chung cư tại Hà Nội hiện nay.

Theo ông Nhuận, các chủ đầu tư cho rằng họ là ông chủ chung cư nhưng người chủ thực sự của chung cư phải là dân do BQT làm đại diện. Dân có quyền thuê đơn vị quản lý với giá cả hợp lý. Với tòa nhà 18 - T2, theo hợp đồng mua bán nhà, ngoài quyền sở hữu riêng diện tích căn hộ, các hộ dân còn có quyền sử dụng chung diện tích tầng 1 là 1.369 m2.

Thế nhưng thực tế, chủ đầu tư lại khai thác gần hết diện tích này vào mục đích kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này không hề được dành một phần nào cho mục đích quản lý tòa nhà. Và các ông chủ thực sự của chung cư thì vẫn không có chỗ vui chơi, giải trí, không có địa điểm để họp hành… Tình trạng này khá phổ biến tại các tòa chung cư Hà Nội và người chịu thiệt thòi vẫn là những người dân. Bao giờ có “chung cư vui vẻ”, giống như trong bộ phim sitcom đang “hot” trên truyền hình hiện nay? Điều đó vẫn đang còn là mơ ước của rất nhiều người dân! 

Kỳ cuối: Sẽ mua được nhà chung cư giá gốc?

BÍCH QUYÊN

Thông tin liên quan:

Bài 1: Từ nhà tập thể đến chung cư mới

Tin cùng chuyên mục