
Việt Nam - điểm đến an toàn. 3,6 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2006 chưa thể nói là một con số lớn so với con số hàng chục triệu ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Làm thế nào để thu hút khách du lịch vẫn là một câu hỏi lớn đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam. Một công thức chung cho bất kỳ quốc gia nào, đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thiết kế các sản phẩm và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Dù còn nhiều bất cập trong việc làm phong phú sản phẩm phục vụ du lịch, đáp ứng phòng ở đạt chuẩn trong mùa du lịch cao điểm, nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn có khả năng đáp ứng yêu cầu này khi hàng loạt dự án đầu tư của nước ngoài đang triển khai vào các khu du lịch.

Lực lượng bảo vệ du khách đang hướng dẫn đường đi cho du khách tại góc đường Lê Thánh Tôn - Pasteur (Q1). Ảnh: NGUYỄN HỮU
Vấn đề khó khăn hiện nay chính ở công tác quảng bá và xúc tiến du lịch. Chỉ tính ở TPHCM, TP đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch. Trong năm 2001, khách quốc tế đến TPHCM chỉ khoảng 1 triệu người, con số này đã tăng lên trên 2,3 triệu trong năm 2006 và dự kiến năm 2007 sẽ đón trên 2,6 triệu du khách.
Tuy nhiên, trong năm 2006, TPHCM chỉ có thể dành khoảng 5 - 6 tỷ đồng kinh phí để đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Thoáng nghe qua, đây là một con số lớn, tuy nhiên khi làm phép tính với 2,3 triệu du khách, kết quả cho thấy là một con số đáng ngạc nhiên. 3.000 đồng là số tiền mà ngành du lịch TPHCM “đầu tư” để thu hút một du khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2006?!
Trong cuộc tiếp xúc mới đây, tân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh đã cho biết, Việt Nam sẽ dành 121 tỷ đồng cho chương trình chiến lược của quốc gia về du lịch trong giai đoạn từ 2006 - 2010, trung bình khoảng 22 tỷ đồng/năm. Quả thật, so với các nước trong khu vực, 22 tỷ đồng là một con số vô cùng khiêm tốn, ví như với Malaysia, riêng cho phần quảng bá slogan “Truly Asia” họ đã bỏ ra 60 triệu USD/năm.
So với cả nước, TPHCM đang có nhiều lợi thế và cơ hội đặt ra. Ngoài đường hàng không, TPHCM đang thu hút khách quốc tế bằng đường tàu biển và tiềm năng tiếp theo chính là du lịch qua đường bộ bằng cửa ngõ Campuchia (CPC). Quần thể di tích Angkor ở Siem Riep (CPC) đang có một sức hút kỳ lạ với du khách quốc tế.
Khách quốc tế đến CPC tăng lên mỗi năm, theo Bộ Du lịch Campuchia, năm 2006 đã tăng lên 1,6 triệu và khách đến Siem Riep chiếm 3/4 lượng du khách. Nếu biết cách, TPHCM sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của du khách quốc tế vào CPC, sau khi họ đã đến Siem Riep.
Cũng giống như cách Angelina Jolie và Prad Pitt đến Việt Nam thông qua con đường CPC! Và cặp tình nhân vàng của Hollywood, nổi tiếng khắp thế giới này đã làm cho cả thế giới biết đến Việt Nam, sau khi có thêm thông tin chính thức về việc họ xin nhận con nuôi ở Việt Nam.
Tiềm năng lớn này chúng ta chưa tận dụng được. Một trong những nguyên nhân làm chậm trễ cơ hội này chính ở công tác xúc tiến thương mại. Hiện tại, chỉ có một vài công ty du lịch ở TPHCM có đặt văn phòng tại Siem Riep với mục đích dẫn tour, đưa khách du lịch Việt Nam qua đây. Thực tế, vấn đề quảng bá, xúc tiến đầu tư của TPHCM vào đây chưa có.
Ông Lê Nhựt Tân, Phó Giám đốc Thường trực Sở Du lịch TPHCM nhận xét, để tận dụng tốt việc thu hút khách du lịch quốc tế đến từ Siem Riep, thúc đẩy nhanh các vấn đề xúc tiến, điều quan trọng và cần làm ngay là phải có bản ký kết hợp tác về du lịch giữa 2 thành phố. Điều này sẽ giúp có một khung pháp lý chung để tạo đà phát triển du lịch cho 2 nước.
Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đang rất nóng tại Siem Riep, điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ lỡ khi chưa có đủ cơ sở pháp lý đầu tư. Đồng thời cũng tạo động lực giúp các công ty du lịch trong nước mạnh dạn hơn khi đặt các văn phòng đại diện ở đây.
Cơ hội đang ở ngay “sát nách”, ngành du lịch TPHCM không thể bỏ lỡ.
MỸ HẠNH