Dồn lực cho các đô thị vệ tinh

Đó là ý kiến được đưa ra trong cuộc họp góp ý cho quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM do tư vấn Nikkei Sekkei của Nhật thực hiện, được tổ chức tuần qua tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Đó là ý kiến được đưa ra trong cuộc họp góp ý cho quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM do tư vấn Nikkei Sekkei của Nhật thực hiện, được tổ chức tuần qua tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Sự việc bắt đầu từ băn khoăn của không ít đại biểu: khu vực trung tâm thành phố đã có quá nhiều nhà cao tầng, tư vấn Nikkei Sekkei đề xuất hệ số sử dụng đất rất thấp. Chẳng lẽ cắt bớt các cao ốc hiện hữu để cho vừa tỷ lệ ấy? Tất nhiên, đó là điều không thể và có lẽ tư vấn Nhật Bản sẽ phải điều chỉnh lại đề xuất của mình.

Thế nhưng, từ ý này, một số đại biểu trong cuộc họp đã đặt vấn đề: nên chăng đề xuất thành phố tạm ngưng các dự án xây dựng cao ốc ở trung tâm như là một cách để giảm hệ số sử dụng đất ở đây? Như thế, thành phố sẽ có một khu trung tâm thông thoáng, không kẹt xe? Và sau đó, bằng cơ chế ưu đãi, thành phố có thể khuyến khích các chủ đầu tư chuyển đầu tư tại trung tâm tới các đô thị vệ tinh của thành phố như Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước… hay gần nhất là đô thị mới Thủ Thiêm? Một động thái đạt được 2 mục đích: giảm được sự quá tải cho đô thị cũ và đồng thời phát triển được đô thị mới.

Ý kiến của các đại biểu đã làm cho không ít người trong cuộc họp nhớ đến một câu chuyện cách nay… hơn 10 năm, thời điểm mà TPHCM mới công bố quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm. Lúc ấy, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM (nay là Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), hiện là đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề: Để tạo động lực cho đô thị Thủ Thiêm phát triển nên chăng thành phố có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, đầu tư vào đây đồng thời hạn chế tối đa việc xây mới tại khu vực trung tâm hiện hữu? Lúc ấy nhiều người đã phản đối và cho rằng Tiến sĩ Trần Du Lịch quá lo xa… Thế nhưng, giá như ý kiến của ông Trần Du Lịch được lưu tâm, mọi việc giờ có lẽ đã khác.

Chuyện xưa nhắc lại vậy thôi. Câu chuyện hiện nay, theo như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp “thích” đầu tư vào khu đô thị hiện hữu, đặc biệt là khu trung tâm bởi ở đây hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã có sẵn. Sức hấp dẫn của sản phẩm bất động sản vì thế sẽ cao hơn các khu vực khác.

“Xử lý thực tế này, cách hay nhất là thành phố phải điều tiết bằng các chính sách kinh tế”, ông Lê Hoàng Châu nói. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn rất muốn đầu tư vào đô thị hiện hữu, nhất là khu trung tâm, họ phải có trách nhiệm cùng thành phố nâng cấp hệ thống hạ tầng hiện hữu. Thông qua đấu thầu, thành phố có thể chọn ra nhà đầu tư đóng góp lớn nhất cho thành phố. Thành phố cũng nên quy định “mức đóng góp sàn” để tránh trường hợp các doanh nghiệp liên kết đưa ra mức đóng góp thấp.

Ngược lại, ở các đô thị vệ tinh, TPHCM nên thực hiện hoặc đề xuất Chính phủ cho thực hiện nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư. Giảm sự quá tải ở đô thị hiện hữu, giãn dân ra ngoại thành là một trong những giải pháp quan trọng chống ùn tắc giao thông. TPHCM đã nói nhiều đến giải pháp này nhưng gần như chưa thực hiện được. Bây giờ đã đến lúc triển khai mạnh mẽ nếu không muốn để quá muộn.

MINH NHIÊN

Tin cùng chuyên mục