Đồng bằng sông Cửu Long trước thềm năm học mới - Lo thiếu trường lớp

Thiếu trường, thiếu giáo viên
Đồng bằng sông Cửu Long trước thềm năm học mới - Lo thiếu trường lớp

Chỉ còn chưa đầy một tháng, năm học mới 2012-2013 sẽ bắt đầu. Hiện nay, tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đang được gấp rút tiến hành. Dù có nhiều cố gắng, song, nỗi lo thiếu trường thiếu lớp vẫn còn đó.

Cô và trò Trường Mẫu giáo ấp 1, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang dạy và học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, phòng học ẩm thấp, tạm bợ. Ảnh: Đình Tuyển

Cô và trò Trường Mẫu giáo ấp 1, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang dạy và học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, phòng học ẩm thấp, tạm bợ. Ảnh: Đình Tuyển

Thiếu trường, thiếu giáo viên

Hiện nay, bậc học mầm non ở ĐBSCL đang thiếu thốn cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy và giáo viên. Cụ thể như tỉnh Hậu Giang, hiện còn 7 xã chưa có trường mầm non, trường mẫu giáo. Toàn tỉnh có 675 phòng học thì có đến 115 phòng tạm, phòng tre lá xập xệ; 130 phòng bán kiên cố đã xuống cấp trầm trọng và phải học nhờ, học tạm ở các trường tiểu học và các cơ sở khác là 189 phòng. Tương tự, ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… tình trạng trường mầm non, mẫu giáo “4 không” (không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi) vẫn còn rất phổ biến.

Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp khối mầm non vẫn đang là nỗi lo. Cả khu vực vẫn còn thiếu khoảng 2.284 giáo viên mầm non. Trong đó, địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất là Tiền Giang (488), Cà Mau (253), Hậu Giang (248), Long An (212), Cần Thơ (200)… và vẫn còn 15% giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Do không có nguồn nên hầu hết giáo viên hợp đồng chưa qua chuyên môn nên chất lượng không cao. Trong khi đó, các đề án phát triển Giáo dục mầm non đã được nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang soạn thảo hoặc đã thông qua nhưng chưa biết đến bao giờ triển khai thực hiện vì thiếu kinh phí.

Chậm kiên cố hóa trường lớp

Đến thời điểm này, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xây dựng được hơn 20.300 phòng học (82% tổng số phòng học của chương trình), 3.785 nhà công vụ giáo viên (chiếm hơn 50%); đã cơ bản giải ngân hết nguồn vốn trung ương cấp năm 2008-2011 trên 2.600 tỷ đồng. Ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác cũng đã đóng góp 1.875 tỷ đồng thực hiện chương trình. Tuy nhiên, tiến độ trên là khá chậm.

Hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở khu vực rất thấp, chỉ 720 trường trên tổng số 6.559 trường. Trong đó tiểu học có 446 trường, THPT chỉ có 23 trường. Theo ngành giáo dục các tỉnh trong vùng, vốn kiên cố hóa trường lớp tuy lớn nhưng xây dựng phòng học không nhiều, do đặc thù vùng có nền đất yếu, chi phí tăng gấp đôi so với vùng cao nguyên, vùng có thời tiết khắc nghiệt như lũ, lốc còn tốn kém hơn. Việc dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học các tỉnh đều triển khai, nhưng kiểm tra số giáo viên đủ chuẩn dạy chương trình mới rất ít, chưa có trường đào tạo lại giáo viên theo chuẩn mới. Thống kê cho thấy cả khu vực còn 769 phòng học tạm và 3.316 phòng học nhờ. Các tỉnh còn nhiều phòng học nhờ, mượn tạm là Sóc Trăng (540 phòng), Kiên Giang (454), Đồng Tháp (438), An Giang (358), Trà Vinh (276), Cà Mau (269)…

Học sinh Cà Mau đi học bằng xuồng. Ảnh: H.Tiến

Học sinh Cà Mau đi học bằng xuồng. Ảnh: H.Tiến

Theo Sở GD-ĐT Cà Mau, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2, Cà Mau có 2.004 phòng học được xây dựng, sửa chữa. Hiện đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 1.704 phòng. Trong khi đó, một số địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang, tình hình triển khai chương trình này gặp khá nhiều khó khăn. Giá trị mỗi phòng học do trung ương phân định chỉ có 160 triệu đồng, trong đó bao gồm 80% nguồn vốn của trung ương và 20% nguồn vốn đối ứng của địa phương. Tuy nhiên, giá thực tế xây dựng đã lên đến khoảng 300 triệu đồng/phòng học. Vì vậy, rất nhiều địa phương đang gặp trở ngại lớn về vốn, khó thực hiện đúng kế hoạch đề ra

Tại Cần Thơ, thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, TP Cần Thơ được phân bổ giao chỉ tiêu xây dựng 1.949 phòng học và 120 căn nhà công vụ cho giáo viên, với tổng số vốn đầu tư 323,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ 64,7 tỷ đồng, phần còn lại là vốn ngân sách địa phương. Đến nay, Cần Thơ đã triển khai xây dựng được 56 công trình; trong đó, có 51 công trình đã hoàn thành, 5 công trình đang thi công, với tổng số phòng học được xây dựng là 435 phòng, đạt 22,32% kế hoạch và 67 căn nhà công vụ giáo viên, đạt 47,5% kế hoạch. Nhìn chung, tiến độ thực hiện đề án quá chậm.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, để giúp ĐBSCL hoàn thành chương trình mục tiêu này, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn kiên cố hóa trường lớp và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới. Quyết tâm thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với nhiều chính sách và nguồn vốn sẽ được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, sẽ sớm ban hành kế hoạch phát triển trường chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho các tỉnh. Việc nâng chuẩn cho giáo viên, các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu mở những lớp thích hợp. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị Trung ương xem xét và bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ về vấn đề trượt giá trong các đề án kiên cố hóa giai đoạn 2008-2012.

Hàm Luông – Đình Tuyển

Tin cùng chuyên mục