(SGGPO). –Nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chiều 18-11, GS TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng và nói chuyện với thầy và trò trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Ngay khi vừa đến trường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã vào thăm lớp 10A1 đang trong tiết học văn của cô Nguyễn Huyền Trang. Trò chuyện với học sinh, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam hỏi các em đã có chương trình gì, hoạt động gì để mừng tặng thầy cô trong ngày 20-11. Thay mặt lớp 10A1, lớp trưởng Đặng Ngọc Thảo cho biết cả lớp đã cùng nhau vẽ những bức tranh để tặng các thầy cô giáo của mình. Chia sẻ với các em học sinh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ, học trò Việt Nam rất sáng tạo, câu nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ 3 học trò” cũng là chỉ sự sáng tạo của các em học trò. “Trước đây đất nước chúng ta nghèo, 95% người dân không biết chữ. Ngày nay chúng ta có nhà cao tầng, nhà máy.. tất cả đều là nhờ học hành mà thành. Có học mới làm được, mới sáng tạo được. Thầy cô là người dạy chúng ta học hành, vì vậy là học trò thì phải luôn nhớ ơn thầy cô. Các em cố gắng học tập tốt, suy nghĩ để có sự sáng tạo, có hành động ý nghĩa để tặng thầy cô nhân ngày 20-11”, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhắn nhủ các em.
Kết thúc buổi nói chuyện, dưới sự gợi ý của cô giáo, các em trong lớp đã cùng nhau hát đồng ca bài “bụi phấn” tặng thầy cô giáo của mình.
Gặp mặt, trò chuyện với cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh tiêu biểu của trường THPT Cổ Loa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cá nhân đồng chí và nhân dân cả nước luôn có những tình cảm đặc biệt. “Tôi có tham gia giảng dạy từ năm 1983. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất, ấm áp nhất trong cuộc đời”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Thay mặt nhân cả nước, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam gửi tới các thầy cô giáo của trường THPT Cổ Loa, của huyện Đông Anh, của Hà Nội và hơn 1 triệu thầy cô giáo cả nước lời cảm ơn chân thành nhất của nhân dân, của các thế hệ học sinh đến các thế hệ thầy coo giáo. “Cảm ơn sự đóng góp không có gì thay thế được của các thầy cô đối với sự phát triển của Việt Nam, cho hôm qua, hôm nay và ngày mai. Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, sáng tạo, thành công, và hạnh phúc”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Trên thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam có Ngày Nhà giáo, bởi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Quyết định về Ngày Nhà giáo 20-11 vào năm 1982 là nhằm khẳng định truyền thống này.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, 5 năm qua đất nước ta trải qua bối cảnh rất khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có suy giảm, tuy nhiên vẫn là mức khá cao so với các nước trong khu vực. Đó là kết quả quan trọng để chăm lo an sinh, đầu tư cho tiềm lực an ninh quốc phòng. Về quốc phòng, chưa bao giờ chúng ta có lực lượng không quân, hải quân, tàu ngầm mạnh như bây giờ. “Điểm mấu chốt để các đối tác Việt Nam đến đầu tư ở Việt Nam chính là nhờ yếu tố lao động. Lao động Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu thì các nhà đầu tư mới đến. Ví sụ Samsung Việt Nam hiện nay có 100.000 lao động, trong đó chỉ có 70 người Hàn Quốc, tức là chủ yếu do người Việt Nam vận hành. Chất lượng lao động đáp ứng được yêu cầu là nhờ công đào tạo của ngành giáo dục, của đội ngũ các thầy cô giáo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cho rằng việc học hành phải gắn với nhà trường, với gia đình, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý trong hoàn cảnh hiện nay, nhà trường và các thầy cô giáo cũng cần hướng dẫn học sinh sử dụng Internet để tra cứu kiến thức, phục vụ cho việc học hành, bởi đó là một công cụ trí tuệ tuyệt vời của nhân loại. “Bản thân tôi thường xuyên tra cứu thông tin trên mạng.Ví dụ cần tìm hiểu thông tin về các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Việt Nam, chỉ cần gõ từ khóa là có hết thông tin. Cần đẩy mạnh điều đó”, đồng chí chia sẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hóa sâu rộng hiện nay, cần đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và trường nên có kế hoạch để nâng chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ, phấn đấu cho giáo viên dạy ngoại ngữ có cơ hội tu nghiệp ở nước ngoài, chuẩn hóa khả năng ngoại ngữ. “Nên kết nghĩa với một trường nước ngoài vì cả 2 bên đều cần, như vậy sẽ có cơ hội để trau dồi nghiệp vụ về ngoại ngữ”, đồng chí gợi ý.
Về tình trạng học sinh vướng vào tệ nạn xã hội (nghiện game, bỏ học, đi lang thang..”, đồng chí cho rằng nhà trường cần đẩy mạnh việc giáo dục lối sống đạo đức cho học sinh, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo để thu hút học sinh tham gia.
Nhấn mạnh, ngày 18-11 cũng là ngày kỷ niệm 85 thành lập mặt trận, đồng chí Nguyễn Thiện nhân cho rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thách thức. “Các thầy cô giáo cần dạy các em học sinh đoàn kết, sống biết yêu thương. Đoàn kết để sáng tạo, để học tập, để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Trường THPT Cổ Loa toạ trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt ”, nơi còn in đậm những dấu tích lịch sử của một triều đại, thành Cổ Loa- nơi Vua An Dương Vương định đô và xây thành dựng nước và giữ nước. Đây cũng là mảnh đất gắn liền với truyền thuyết “Mỵ Châu - Trọng Thuỷ” đầy tính triết học và nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là vùng đất hiếu học, có truyền thống khoa bảng. Trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2009. Trường đang phấn đấu đưa chất lượng giáo dục lên tốp 20 trường dẫn đầu trong ngành giáo dục Thủ đô. |
Phan Thảo