Phát triển đô thị bền vững
Không chỉ là nơi để người dân vui chơi, thư giãn, luyện tập thể dục, hệ thống công viên cây xanh trên địa bàn thành phố còn giữ một vai trò quan trọng khác: thầm lặng đóng góp vào việc cải thiện môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu - những tiền đề để phát triển đô thị bền vững.
Liên tục trồng mới cây xanh
Trên thực tế, công viên cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Vì thế khi nói về mục tiêu của thành phố trong thời gian tới là hướng đến sự phát triển bền vững, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã khẳng định bên cạnh việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cây xanh đô thị cũng giữ vai trò quan trọng, đặc thù của mình.
Một điều đáng mừng là thời gian qua, hệ thống công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn TPHCM đã phát triển nhanh và đúng hướng. Cây xanh đường phố là một ví dụ. Cây xanh liên tục được trồng thêm để bổ sung, thay thế trên các tuyến đường cũ và trồng mới trên các tuyến đường vừa mở, không chỉ trồng ở ngoài đường mà còn cả trong các khu dân cư. Thống kê từ ngành chức năng thành phố cho thấy từ số lượng chỉ khoảng 8.000 cây xanh cách đây hơn 30 năm, đến nay con số đó đã tăng lên hơn gấp 10 lần với 83.000 cây xanh các loại.
Một dẫn chứng điển hình khác là sự thay đổi từ hình ảnh những mảng bê tông, gạch lát vỉa hè đơn điệu trên nhiều tuyến phố, đã được nhẹ nhàng và linh động chuyển một phần sang màu xanh cây cỏ một cách sáng tạo. Dạo bước trên những hè phố đường Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn trước Hội trường Thống Nhất, đường Pasteur đoạn qua Công viên 30 Tháng 4, đường Nguyễn Trãi… chúng ta giờ đây sẽ bắt gặp những bồn dài trồng cỏ gấu xanh mướt hoặc cỏ đậu với những nụ hoa vàng óng trông thật đẹp. Trong khi đó, các tuyến đường Lý Tự Trọng (đoạn trước Bệnh viện Nhi đồng 2), Lê Thánh Tôn, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm… người ta có thể nhìn thấy đó đây dưới gốc cây cổ thụ là những bồn trồng kiểng hoặc cỏ xen lẫn kiểng cùng với các loại cây trang trí khác.
Không chỉ một mảng xanh, nhiều đoạn vỉa hè lại có đến hai mảng xanh nhiều tầng, một mảng chạy dọc theo hàng cây hiện hữu, mảng kia ôm sát tường vỉa hè, mà tiêu biểu như trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Tất cả pha trộn vào nhau, hỗ tương lẫn nhau tạo nên một màu xanh nhẹ nhàng, êm đềm của cỏ với hoa kiểng, góp phần thu hút du khách.
Tăng nhiều lần diện tích công viên cây xanh
Hệ thống công viên trong thành phố cũng có sự đầu tư, phát triển đáng ghi nhận. Trong những ngày đầu sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4-1975, diện tích công viên thành phố khi ấy chỉ trên dưới 54ha, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5; trong đó chỉ có hai công viên lớn là vườn Bách thảo và Tao Đàn. Giờ đây diện tích công viên đã tăng lên nhiều lần, trong đó nếu chỉ tính phần do Công ty Công viên Cây xanh TPHCM quản lý, diện tích công viên thành phố đã là 120ha. Trong bối cảnh một siêu đô thị, tấc đất tấc vàng, việc bảo tồn và phát triển được hệ thống công viên cây xanh cho thành phố như vậy là không đơn giản và đáng trân trọng.
Có nhiều nguyên nhân giúp làm tăng thêm diện tích công viên cho thành phố như: các công viên cũ được cải tạo, nâng cấp và có thêm nhiều công viên mới hình thành. Cho đến nay nhiều công viên đã “thành danh”, trở thành những địa chỉ văn hóa quen thuộc của người dân thành phố và cả du khách thập phương. Có thể nhắc đến Công viên Gia Định ở phường 3 quận Gò Vấp vốn dĩ được chuyển đổi từ một sân golf thời chế độ cũ, Công viên Lê Văn Tám mà trước đó là Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Tao Đàn và Công viên 23-9 thuộc quận 1. Hàng ngày luôn có một lượng người đông đảo vào tham quan, thư giãn, luyện tập thể dục tại các công viên hàng đầu thành phố này, còn trong các ngày nghỉ cuối tuần hoặc dịp lễ tết, số lượng còn cao hơn nữa.
Ông Lê Công Phương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết, bên cạnh việc coi trọng công tác đầu tư phủ xanh, ngành công viên cây xanh cũng không quên chú ý đến khâu tạo cảnh đồng thời kết hợp những hoạt động mềm để hệ thống công viên thành phố trở thành những không gian đô thị vừa đẹp, vừa có ý nghĩa và đem lại sự thích thú cao nhất cho người dân. Khu trò chơi thiếu nhi, các điểm sinh hoạt quần chúng, khu sân chơi cầu lông… như đã, đang và sẽ có tại nhiều công viên trong thành phố chính là những ví dụ tiêu biểu cho điều mà ông Lê Công Phương gọi là “hoạt động mềm”. Nếu có dịp vào khu trò chơi thiếu nhi tại khu A công viên Gia Định, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thành công và sức hút đem lại từ những hoạt động mềm ấy.
TRUNG KHANH