Tham dự Hội nghị lần này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo các bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong năm 2016, với tinh thần hợp tác, Hà Nội cùng cộng đồng doanh nghiệp có một năm nỗ lực, tiếp tục đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng với tổng mức đầu tư đạt con số ấn tượng: 439.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, cùng với những đô thị lớn khác trên thế giới, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết. Đó là áp lực gia tăng dân số; quá tải cơ sở hạ tầng, quá tải dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch, giao thông công cộng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi đã trở lên nghiêm trọng; thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng khung: giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông và đáp ứng nhu cầu nhà ở và dịch vụ của người dân.
Ông Hoàng Trung Hải bày tỏ tin tưởng, với những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi riêng có của Thủ đô, với việc nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố; Hà Nội sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn và thành công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 và kết quả sau một năm thực hiện thực hiện cam kết của các nhà đầu tư tại hội nghị Xúc tiến đầu tư của thành phố năm 2016.
Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư, các phái đoàn ngoại giao nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Hà Nội. Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là đối tác thân thiết của Liên minh Châu Âu ở Đông Nam Á. Hai bên đã có sự hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực, đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, tiềm năng, cơ hội thúc đẩy hợp tác, phát triển giữa hai bên còn rất lớn.
“Tại sao Liên minh Châu Âu không phải là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam thay vì vị trí thứ 5 như hiện nay? Đây là điều hoàn toàn có thể thay đổi, nhất là khi Liên minh Châu Âu và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do. Ở Châu Á, Liên minh Châu Âu chỉ ký kết Hiệp định Thương mại tự do với 3 nước là Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam”, ông nói.
Sắp tới, Liên minh Châu Âu mong muốn cùng Hà Nội tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm thúc đẩy giao lưu, trao đổi về thực hiện hiệp định này. Liên minh Châu Âu mong Hà Nội tổ chức các tour giới thiệu với các nhà đầu tư đến từ Liên minh Châu Âu về tiềm năng công nghiệp, lợi thế của Hà Nội.
Đại diện Liên minh Châu Âu cũng mong Hà Nội tập trung phát triển mạnh về hạ tầng, quan tâm đầu tư giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển dịch vụ y tế.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione thì cho rằng, trong xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tính ứng dụng của Internet trên thế giới, để phát triển và hội nhập, các quốc gia, thành phố không thể không đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh...
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, công nghệ thông tin là công cụ quan trọng để tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đối với mỗi quốc gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình phát triển, tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện, tích cực và hiệu quả.