Đồng hành cùng thanh niên

Có ý tưởng kinh doanh nhưng vấn đề về vốn luôn là rào cản để người trẻ hiện thực hóa ý tưởng của mình. Để hỗ trợ thanh niên thành phố phát triển khả năng sáng tạo, UBND TPHCM đã thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM quản lý. Qua nguồn quỹ, hàng trăm dự án đã được hỗ trợ, tạo đà để thanh niên phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình.
Đồng hành cùng thanh niên

Có ý tưởng kinh doanh nhưng vấn đề về vốn luôn là rào cản để người trẻ hiện thực hóa ý tưởng của mình. Để hỗ trợ thanh niên thành phố phát triển khả năng sáng tạo, UBND TPHCM đã thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM quản lý. Qua nguồn quỹ, hàng trăm dự án đã được hỗ trợ, tạo đà để thanh niên phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình.

Khởi nghiệp thành công

Hành nghề tài xế taxi tại Bình Dương với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nhưng anh Nguyễn Ngọc Thức, 31 tuổi (ngụ ấp 3A, xã Tân Thạnh, huyện Củ Chi, TPHCM) luôn ấp ủ ước mơ thay đổi công việc để tăng thu nhập. Trong quá trình làm việc, anh Thức thấy các thương lái lùng mua chim bồ câu ở từng hộ dân để bán cho các nhà hàng; từ đó anh nảy ra ý định nuôi chim bồ câu với quy mô lớn. Nghĩ là làm, năm 2008, anh bắt đầu tìm hiểu thị trường và kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Ngoài thời gian đi làm, anh tham khảo thêm sách báo, tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, tham quan và học hỏi kỹ thuật nuôi từ các trang trại đã thành công. Thời gian đầu anh vay được 150 triệu đồng của người thân để dựng trang trại và mua giống bồ câu Pháp về nuôi. Sau đó qua bạn bè, anh biết đến Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nên đã nộp hồ sơ. Nhận thấy đây là mô hình tiềm năng nên dự án của anh đã được BSSC duyệt với nguồn vốn hỗ trợ 400 triệu đồng. Đến nay, trang trại Ngọc Điền của anh Thức có khoảng gần 3.000 cặp chim bồ câu giống, mỗi tháng cung cấp ra thị trường gần 1.000 cặp chim thịt với thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng. Trang trại của anh cũng tạo việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương với mức thu nhập ổn định. “Trước khi bắt tay vào làm, tôi cũng trăn trở nhiều về vấn đề tài chính. Thật may mắn khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời của BSSC nên tôi mới tự tin mở rộng quy mô trang trại như hiện nay. BSSC quả thực là điểm tựa, đòn bẩy để thanh niên chúng tôi tự tin khởi nghiệp”, anh Thức chia sẻ.

Chỉ với kinh nghiệm 6 năm làm quản lý trong ngành giáo dục, chị Nguyễn Lê Ái Vị (30 tuổi) quyết định “bẻ lái” sang con đường kinh doanh mô hình trường mầm non tư thục. Huy động được 50 triệu đồng vốn ban đầu, chị Vị mạnh dạn thuê nhà, trang trí, mua sắm thiết bị cần thiết và bắt đầu tuyển sinh. Có tiềm năng lớn và hiệu quả đối với xã hội, dự án trường mầm non tư thục của chị đã được BSSC đồng ý hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô. Hiện Trường Mầm non tư thục Cầu Vồng (2/1/4 Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình) đã được hỗ trợ vốn lần 3 với tổng số tiền 450 triệu đồng để xây trường mới theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.  Đến nay, từ một cơ sở nhỏ gồm 2 lớp học với vài học sinh, hiện trường đã có tới 6 lớp với gần 100 học sinh.

Một dự án khởi nghiệp do BSSC tổ chức.

Trên đây là 2 trong số hàng trăm dự án đã được BSSC hỗ trợ giúp người trẻ thành công trên con đường kinh doanh, phát triển sự nghiệp của riêng mình. Nhắc đến những cá nhân hay tập thể đi lên từ nguồn vốn của BSSC, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (Phó Giám đốc BSSC) tỏ rõ vẻ tự hào khi kể về anh Trình Công Tuấn với dự án BabyMe (ứng dụng cài đặt trên iOS, cho phép phụ huynh theo dõi các vấn đề sức khỏe của trẻ trong 1.000 ngày đầu tiên kể từ khi mang thai, cung cấp cho phụ huynh các kiến thức chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé và các trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bé dù ở bất cứ đâu); anh Đoàn Thiên Phúc với các thiết bị chống trộm mang thương hiệu S-bike Pro; anh Đoàn Tấn Triều (Củ Chi) với cơ sở kinh doanh sợi đay may túi xách, ba lô; anh Đoàn Hữu Phát (ngụ quận 12) với dự án xe ôm taxi…

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Với nguồn quỹ 30 tỷ đồng của UBND TPHCM, trong 5 năm qua, có 658 dự án của các cá nhân, tập thể cư trú tại TPHCM (trong độ tuổi từ 18 - 35, có hộ khẩu thường trú hoặc KT3) đã được hỗ trợ vốn để khởi nghiệp, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhiều là nông nghiệp, giáo dục và công nghệ. Hạn mức cho vay tối đa đối với dự án cá nhân là 100 triệu đồng, dự án tập thể 200 triệu đồng, doanh nghiệp 450 triệu đồng. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng với lãi suất 9,6% năm (0,8%/tháng). BSSC sẽ hỗ trợ lâu dài trong vòng 5 năm nếu dự án kinh doanh phát triển tốt và đối tượng còn trong độ tuổi thanh niên.

Ngoài quỹ hỗ trợ vay vốn, BSSC còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên cả nước như khóa đào tạo lãnh đạo khởi nghiệp, hội thảo người trẻ khởi nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, diễn đàn doanh nghiệp trẻ, ngày hội thanh niên... Đặc biệt, Khu vườn ươm doanh nghiệp trẻ là nơi hỗ trợ về cơ sở vật chất trong thời gian đầu doanh nghiệp hình thành và phát triển với mức phí 1,2 triệu đồng/vị trí, đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động tại đây. Nổi bật nhất là cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”. Những năm đầu, cuộc thi chỉ dành cho các bạn trẻ đang sống và làm việc tại TPHCM, nhưng năm nay đã mở rộng trên khắp cả nước, hiện đã trải qua vòng sơ tuyển và có 536 hồ sơ tham dự chung kết.

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng cho biết: “Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” là sự kiện được trông đợi trong năm, sân chơi này là cầu nối giữa các bạn trẻ với nhiều doanh nghiệp. Đó là môi trường năng động để các bạn trẻ truyền đạt ý tưởng của mình, tìm cho mình cơ hội phát triển hợp tác với các doanh nghiệp đã thành công”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục