Đột phá hạ tầng giao thông: Tạo đà phát triển kinh tế

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, TPHCM đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Đến nay, TPHCM đã có nhiều thay đổi với dấu ấn đậm nét là dần hoàn thiện mạng lưới giao thông trọng điểm có tính kết nối cao, qua đó góp phần chỉnh trang đô thị, tạo thêm đà phát triển kinh tế.
Xa lộ Hà Nội và metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Xa lộ Hà Nội và metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều công trình hiện đại 

Hiện thành phố đang tập trung nguồn lực để “nâng tầm” Khu Công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia TPHCM nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực phía Đông. Để phục vụ mục tiêu này, lãnh đạo thành phố quyết tâm đầu tư hạ tầng giao thông phải đồng bộ, đảm bảo thông suốt. Vì vậy, xa lộ Hà Nội được xác định là trục giao thông huyết mạch nối cửa ngõ phía Đông TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc.

Nhiều năm qua, thành phố kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa tập trung mở rộng, xây hàng loạt cầu vượt, hầm chui tại những nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc dọc trên tuyến xa lộ Hà Nội, đáp ứng phương tiện lưu thông thông suốt. Đơn cử, tại nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, từ khi đưa vào sử dụng hầm chui trên QL1 đoạn qua trước Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9), đồng thời mở rộng QL1 từ 7 làn xe lên 14 làn ở cả hai chiều, tình hình giao thông cải thiện đáng kể. Đây là một trong những công trình đột phá về hạ tầng giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội và QL 1A cơ bản đã giải quyết bài toán kẹt xe kinh niên tại khu vực này, góp phần tạo nên bộ mặt giao thông hiện đại của thành phố. 

Hầm chui nút giao Đại học Quốc gia TPHCM

Thực tế cho thấy, khu Đông đang là khu vực được đầu tư hạ tầng tốt nhất cùng với dự án Metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang dần hoàn thiện và dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm nay. Bên cạnh các tuyến liên kết vùng hiện hữu, như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, đại lộ Mai Chí Thọ…, thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ dự án 3 tầng nút giao thông An Sương. Đây là công trình quan trọng bậc nhất ở cửa ngõ phía Tây thành phố, kết nối TPHCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và nước bạn Campuchia, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế của TPHCM. Dự án nút giao thông An Sương xây dựng 2 hầm chui trên đường Trường Chinh (QL 22) thuộc địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn với vốn đầu tư gần 550 tỷ đồng.

Khởi động nhiều dự án lớn

Trong chương trình hành động của Sở GTVT TPHCM thời gian tới, tập trung nâng cấp mở rộng 5 tuyến đường TP phía Đông, gồm: Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh. Dự kiến, thời gian triển khai thực hiện từ năm 2021 đến 2025. UBND TP đã chấp thuận chủ trương nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định và phương án xây dựng đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phúc cùng cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)…

Nhằm giải quyết các điểm nghẽn giao thông và nâng cao năng lực lưu thông khu vực phía Tây thành phố, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông thành phố, ông Lương Minh Phúc, cho biết, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai xây dựng thêm 2 cầu bê tông ở 2 bên cầu vượt nút giao thông An Sương hiện hữu. Ngoài ra sẽ mở rộng các tuyến đường chính quanh nút giao này, như: mở rộng QL1 lên 120m cho 10 làn xe trên trục chính và 2 làn xe dân sinh ở 2 bên đường (hiện nay chỉ 4 làn xe). Chưa hết, dự án còn mở rộng lộ giới QL 22 và đường Trường Chinh... với tổng vốn đầu tư khoảng 1.585,8 tỷ đồng.

Hiện TPHCM đang cân đối nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên tinh thần ứng vốn làm trước, hoàn vốn sau. Để thực hiện các dự án nhanh chóng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn, lãnh đạo UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao.

Theo Sở GTVT, gần 10 năm qua, thành phố đã làm mới và đưa vào sử dụng 384km/272km đường bộ (đạt 141%). Xây dựng mới 72/76 cây cầu (đạt 94,7%), ước tính cuối năm 2020 xây dựng mới 79/76 cây cầu (đạt 103,9%); tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị hiện đạt 10,01%/12,2%, ước tính cuối năm 2020 đạt 12,2%; mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố hiện đạt 2,19km/km2, ước cuối năm 2020 đạt 2,2km/km2

Đưa vào sử dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: đường Phạm Văn Đồng, Trần Não, đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội; mở rộng đường Phan Văn Trị (từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng), cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Đông, cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cầu vượt thép Ngã 6 Gò Vấp, cầu Nhị Thiên Đường 1, cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt, hầm chui Mỹ Thủy, nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, nhánh N4 dự án xây dựng cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt…

Tin cùng chuyên mục