Đột phá thu hút FDI

Với mục tiêu biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế mở nhất trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính phủ Thủ tướng Narendra Modi vừa công bố chính sách mới về FDI, theo đó cho phép 100% vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, hàng không dân dụng, bán lẻ và dược phẩm.

Với mục tiêu biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế mở nhất trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính phủ Thủ tướng Narendra Modi vừa công bố chính sách mới về FDI, theo đó cho phép 100% vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, hàng không dân dụng, bán lẻ và dược phẩm.

Nếu như trong đợt điều chỉnh chính sách lần thứ nhất kể từ sau khi lên cầm quyền hồi năm 2014, chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đã mở cửa cho FDI đầu tư đến 49% vào các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, hàng không, dược phẩm và bảo hiểm, thì đây được xem là bước đột phá trong thay đổi chỉnh chính sách thu hút FDI. Theo quy định mới, các nhà đầu tư nước ngoài là các quỹ đầu tư, công ty đầu tư tài chính… có thể nắm giữ 100% cổ phần ở các hãng hàng không thương mại, các công ty quốc phòng địa phương của Ấn Độ... so với mức cho phép sở hữu tối đa 49% trước đây. Các lĩnh vực khác mà vốn FDI có thể được nâng lên mức 100% còn gồm dược phẩm, thương mại điện tử, thực phẩm, bán lẻ một thương hiệu duy nhất (single-brand retailer)...

Tuy nhiên, theo Financial Times, chính sách “mở” vẫn còn hạn chế đối với lĩnh vực hàng không khi chính sách mới này không áp dụng cho các hãng hàng không nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của các hãng hàng không nước ngoài ở các hãng hàng không Ấn Độ nội địa vẫn bị khống chế ở tối đa 49%. Về lĩnh vực quốc phòng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng AK Antony lo ngại “lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ sẽ được đặt vào tay các nhà sản xuất quốc phòng NATO - Mỹ”.

Về lĩnh vực dược phẩm, các công ty nước ngoài hiện nay có thể mua lên đến 74% cổ phần của một hãng dược phẩm Ấn Độ mà không cần chính phủ phê duyệt. Theo một nghiên cứu chính thức của Công ty Tư vấn và Quản lý toàn cầu McKinsey & Company, ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ sẽ đạt mức doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2020, có quy mô lớn thứ sáu trên thế giới. Thị trường dược phẩm của Ấn Độ cũng đã trải qua một sự bùng nổ tương tự, từ 6 tỷ USD vào năm 2005 lên 18 tỷ USD trong năm 2012. Người ta lo ngại làn sóng thôn tính các công ty dược phẩm Ấn Độ trong giai đoạn từ 2008 - 2010 - từng gây chia rẽ nội các chính phủ - sẽ trỗi dậy.

Còn theo tờ The Wire, chính sách FDI mới của chính phủ sẽ làm tổn thương đến lợi ích của người Ấn. Thay vì thúc đẩy việc làm, các “nới rộng” của chính sách mới có thể đẩy nhanh xu hướng thất nghiệp và bất bình đẳng đang gia tăng khi với 100% vốn nước ngoài, lợi nhuận từ đầu tư sẽ dễ dàng chảy ra khỏi Ấn Độ mỗi một biến động địa chính trị nào. Khi cho phép 100% vốn FDI vào các lĩnh vực chăn nuôi, bán lẻ, kinh doanh thực phẩm... dẫn đến nguy cơ tập trung kiểm soát đất nông nghiệp và tài sản nông nghiệp khác vào tay các tập đoàn nước ngoài. Một bộ phận nông dân sẽ dễ bị tổn thương và bỏ quê lên thành phố tị nạn... 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Ấn Độ đã tạo ra kỷ lục về thu hút vốn FDI, đạt mức 55,46 tỷ USD trong năm tài chính 2015 - 2016 (tính đến cuối tháng 3), so với 36 tỷ USD 2 năm trước. Với những cải cách FDI trên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, quyết định mở rộng FDI sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy lao động, tạo việc làm cho người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo mức tăng trưởng cao.

HẠNH CHI 

Tin cùng chuyên mục