Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội: Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để sớm hoàn vốn

Thường trực Thành ủy TPHCM đã chấp thuận chủ trương trình Ban Thường vụ Thành ủy về việc tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để sớm hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 (cũ) đến nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương).
Xa lộ Hà Nội đoạn qua TP Thủ Đức
Xa lộ Hà Nội đoạn qua TP Thủ Đức

Dự án dang dở

Trước đây, Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn (tiếp giáp cầu Đồng Nai và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dài khoảng 15,7km, với 2 làn ô tô và 1 làn xe gắn máy. Trong khi đó, đây lại là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Đông TPHCM kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc, luôn có lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Chính vì vậy, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế không chỉ TPHCM mà còn cả vùng.

Từ tháng 11-2010, UBND TPHCM giao Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư mở rộng tuyến đường này theo hình thức BOT với số vốn ban đầu là 2.287 tỷ đồng. Theo đó, chiều rộng toàn tuyến đường được mở lên 113,5-153,5m, tùy đoạn. Sau khi được mở rộng, tuyến đường có quy mô 14-20 làn xe.

Tháng 7-2018, UBND TPHCM và CII ký phụ lục hợp đồng, bổ sung một số hạng mục trên tuyến, như xây thêm 2 cầu, cải tạo đường song hành, xây dựng nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM, bổ sung kinh phí đền bù giải tỏa mặt bằng toàn tuyến… với số tiền 1.410 tỷ đồng. 

Dự án được chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2km). Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (dài 5,3km). Đoạn 3 từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn, Bình Dương (dài 4,2km). Các hạng mục chính gồm nâng cấp, mở rộng trục chính, xây mới 2 đường song hành hai bên đường chính, mỗi đường rộng khoảng 12m. Xây mới hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, đại diện CII, đến đầu năm 2021, dự án mới hoàn thành một phần, gồm 100% đoạn trục đường chính từ chân cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TPHCM (hơn 10km, gần hết địa phận TPHCM); hoàn thành nâng cấp trải nhựa đoạn quốc lộ 1 trên địa phận TP Dĩ An; hoàn thành 93% đường song hành bên phải và 74% đường song hành bên trái. Những hạng mục chưa thi công xong, chủ yếu vướng mặt bằng hoặc chờ phối hợp với các dự án khác. Đơn cử như dự án xây dựng tuyến metro số 1 chạy song song với trục xa lộ Hà Nội, mặt bằng thi công bị trùng lặp với mặt bằng thi công đường song hành bên trái (nhìn từ phía cầu Sài Gòn ra hướng xa lộ Hà Nội) của dự án BOT xa lộ Hà Nội.

Đảm bảo lợi ích các bên liên quan

CII cho biết, theo hợp đồng, dự án được thu phí từ ngày 1-10-2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thu phí vì dự án chưa hoàn thành toàn bộ. Thời gian thu phí vì thế đã chậm so với hợp đồng 2 năm.

Do dự án chưa hoàn thành toàn bộ, nên chủ đầu tư vẫn chưa được thu phí hoàn vốn dự án. Việc chậm trễ thu phí đang khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn về tài chính. Theo tính toán, tính đến 31-12-2018, chi phí đầu tư và lãi vay đã lên đến 3.700 tỷ. Đến nay, lãi vay khoảng 400 tỷ đồng/năm. Như vậy, chậm 1 năm thu phí, sẽ phải kéo dài thời gian thu phí thêm ít nhất 6 năm.

Sở GTVT TPHCM cho biết, Thường trực Thành ủy TPHCM đã chấp thuận chủ trương trình Ban Thường vụ Thành ủy về việc tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để sớm hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1. Theo đó, giao Ban Cán sự đảng UBND TPHCM chỉ đạo UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành, đơn vị có liên quan rà soát phương án tài chính của dự án, xây dựng phương án giá trên cơ sở cân đối các yếu tố chi phí hợp lý, đảm bảo cân đối giữa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và nhà đầu tư. Cân nhắc thời điểm bắt đầu thu và giá dịch vụ sử dụng đường bộ nhằm tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục