Cách quốc lộ 13 không xa, bên cạnh chợ Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) là một bãi đất rộng trên 4ha hoang hóa lâu năm, cây dại, cỏ hoang mọc um tùm. Đây là khu đất dự án nhà ở Công ty Thuốc lá Vĩnh Hội đã treo 20 năm vẫn chưa bị xử lý.
Đi không được, ở không xong
Người dân địa phương cho biết, nơi đây vốn là khu dân cư sầm uất của quận Thủ Đức. Từ khi Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội được giao đất làm dự án khu nhà ở, cả khu dân cư này bị biến thành đồng hoang, ao tù. Xen lẫn giữa những ao trồng rau muống, đầm nước sình lầy, là nhà ở của người dân, do lâu ngày không được sửa chữa nên nhà cửa đã quá xập xệ. Hệ thống hạ tầng đường sá không có, để vào khu dân cư người dân phải đi lại trên trên những con đường đất nhỏ. Bà Danh Thị Hiền (ngụ tại 120/12, tổ dân phố 12, khu phố 2) cho biết: “20 năm trước, năm 1997 gia đình tôi được thông báo nhận tiền đền bù để giao lại nhà cửa, vườn tược cho Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Chồng tôi chỉ mới nhận được của chủ đầu tư một phần trong số tiền đền bù, rồi sau đó công ty ngưng trả tiền. Suốt từ đó đến nay chủ đầu tư không gặp dân để đền bù nữa. Chồng tôi đã mất từ nhiều năm nay, các con lớn rồi, mà dự án vẫn bỏ dở không thực hiện”.
20 năm nay người dân ở đây phải sống trong những căn nhà xuống cấp, tứ bề đầm lầy nước đọng
Anh Trần Văn Phước (cũng là cư dân tại đây) than: “20 năm nay người dân ở đây phải sống trong những căn nhà xuống cấp, tứ bề đầm lầy nước đọng. Tình trạng ngập nước ngày càng nặng thêm, vì các khu đất xung quanh đã xây dựng nhà cửa, nâng cấp đường sá cao hơn, nên mỗi khi trời mưa, nước từ các nơi đổ dồn về đây. Nước thải từ các khu dân cư xung quanh và chợ Bình Triệu cũng đổ về đây nên rất bẩn. Người dân trong vùng dự án treo phải sống trong điều kiện thường xuyên ngập nước, môi trường mất vệ sinh, phát sinh nhiều bệnh tật. Đi không được, ở không xong, người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan yêu cầu xóa dự án treo, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Chủ đầu tư thiếu năng lực
20 năm trước, ngày 29-3-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 190/TTg giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội. Có quyết định giao đất nhưng Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội lại không có chức năng lẫn năng lực đầu tư thực hiện dự án, nên đã sử dụng quyết định giao đất để liên kết, liên danh với các đơn vị khác. Sau khi được giao đất, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội đã bắt tay với Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Đông Phương do Trần Văn Giao làm giám đốc để thực hiện dự án. Trong khi hai đơn vị đang tiến hành đền bù thì Trần Văn Giao bị bắt vì liên quan đến việc lừa đảo, dự án bị bỏ dở. Sau lần liên kết thứ nhất bất thành, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (đơn vị kế thừa Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội) tiếp tục ký hợp đồng liên danh với Công ty TNHH Đồng Xuân Thủ Đức để thực hiện dự án. Theo hợp đồng liên danh, Công ty Đồng Xuân sẽ bàn giao cho Công ty Thuốc lá Sài Gòn 289 căn hộ được thiết kế với diện tích 65m2/căn. Thế nhưng, đến thời điểm này hợp đồng liên danh vẫn chỉ nằm trên giấy.
Thực hiện nghị quyết của HĐND TPHCM về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, UBND TPHCM đã xử lý thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất cho thuê đất của rất nhiều dự án treo nhiều năm, và nhiều lần yêu cầu chính quyền các quận - huyện xóa các dự án treo. Theo Văn phòng UBND quận Thủ Đức, thực hiện chủ trương của TPHCM, địa phương đã quyết liệt xử lý xóa các dự án treo. UBND quận đã ban hành văn bản chấm dứt 9 dự án đã có biên bản thỏa thuận địa điểm do quận cấp. Ba dự án đã có quyết định giao đất nhưng chậm triển khai vẫn bị quận ra văn bản thu hồi, gồm: dự án khu thương mại, dịch vụ, cao ốc nhà ở tại phường Linh Trung; dự án bãi đậu xe tải, xe khách và khu công viên cây xanh tại phường Tam Bình; và dự án khu nhà ở tái định cư tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước. Vậy mà người dân vùng dự án khu nhà ở của Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội vì sao đã treo 20 năm vẫn chưa bị thu hồi. Việc chủ đầu tư được giao đất nhưng suốt 20 năm bỏ hoang, không thực hiện dự án là vi phạm quy định pháp luật đất đai, trái với chủ trương của TPHCM và gây quá nhiều thiệt thòi cho người dân.
TRẦN YÊN