Đủ chỗ học cho tuổi “heo vàng”!

Nhiều phụ huynh lo lắng về việc năm học mới 2013 - 2014 có đủ chỗ học cho trẻ vào lớp 1 hay không do sự gia tăng đột biến của tuổi “heo vàng”, nhóm trẻ sinh năm 2007. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, về vấn đề này.
Đủ chỗ học cho tuổi “heo vàng”!

Tuyển sinh lớp 1 năm học 2013 - 2014

Nhiều phụ huynh lo lắng về việc năm học mới 2013 - 2014 có đủ chỗ học cho trẻ vào lớp 1 hay không do sự gia tăng đột biến của tuổi “heo vàng”, nhóm trẻ sinh năm 2007. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, về vấn đề này.

Học sinh Trường Tiểu học Cao Bá Quát (quận Phú Nhuận) trong ngày khai giảng năm học 2012 - 2013.

Học sinh Trường Tiểu học Cao Bá Quát (quận Phú Nhuận) trong ngày khai giảng năm học 2012 - 2013.

- Phóng viên: Thưa ông, tuyển sinh đầu cấp hiện nay đang là vấn đề nóng khiến dư luận quan tâm. Năm học mới, với sự gia tăng đột biến của nhóm trẻ trong độ tuổi “heo vàng”, Sở GD-ĐT TP đã có những chuẩn bị gì nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả các em?

>> Ông LÊ NGỌC ĐIỆP: Nhiều năm trở lại đây, các quận - huyện vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, quận 12 đều có áp lực sĩ số khá cao. Dù Sở GD-ĐT TPHCM hàng năm đều dự báo trước số lượng học sinh vào lớp 1, kết hợp đẩy mạnh việc xây dựng, gia tăng trường, lớp (chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2013 đã có 22 dự án đưa vào khởi công xây dựng), nhưng do các đặc điểm riêng về tình hình nhập cư trên địa bàn nên khả năng bùng nổ sĩ số vẫn khá lớn.

Tuy nhiên, thành phố cam kết đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh có hộ khẩu TP đến tuổi vào lớp 1. Năm học 2013 - 2014 sẽ có thêm 573 phòng học mới được đưa vào sử dụng, trải đều ở 24 địa phương. Trong khi đó, dự kiến số lượng trẻ vào học lớp 1 công lập năm nay tăng thêm 8.012 học sinh, nâng tổng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 lên 110.709 em. Như vậy, với số lượng phòng học được xây mới chẳng những đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả các em mà dự kiến sĩ số bình quân khối lớp này còn giảm từ 40,33 học sinh/lớp vào năm 2012 - 2013 xuống còn 40,11 học sinh/lớp vào năm học này. Do đó, không có tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ vào lớp 1 như dư luận lo ngại. Chính vì vậy, thay cho việc lo lắng tìm chỗ học cho con, phụ huynh nên tập trung chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ bước vào bậc học có nhiều thay đổi so với cách học ở mầm non.

- Như vậy, áp lực chạy trường năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm? Giải pháp của TP trong việc hạn chế tình trạng phụ huynh đổ xô chạy trường đầu năm học mới?

Từ năm học 2009 - 2010, Sở GD-ĐT TPHCM đã khuyến khích các trường tiểu học trên địa bàn TP tổ chức ngày hội “Ngôi trường tiểu học của em” vào khoảng giữa tháng 5, có sự tham gia của phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non chuẩn bị bước vào lớp 1 trên địa bàn nhằm giới thiệu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các thành tích cũng như phương pháp giảng dạy, giúp họ có cái nhìn rõ nét hơn về những phát triển cũng như hạn chế của từng trường. Từ đó, giúp phụ huynh có sự lựa chọn hợp lý, phù hợp khả năng đưa đón hoặc nhu cầu học tập của học sinh. Cá nhân tôi không ủng hộ việc chạy trường. Nếu chúng ta làm quyết liệt, có tinh thần tự giác thực hiện, làm gương từ cấp trên thì chạy trường sẽ không còn tái diễn.

- Xung quanh việc đánh giá, cho điểm học tập của trẻ khi vào lớp 1 có hướng dẫn gì mới hay không? Ông có ủng hộ việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 hay không?

Vấn đề cho điểm, đánh giá kết quả học tập của trẻ khi vào lớp 1, Sở GD-ĐT TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, ban hành quy định không đánh giá kết quả học tập học sinh lớp 1 bằng điểm số. Hiện nay bộ đang trong quá trình soạn thảo văn bản, dự kiến sẽ áp dụng từ năm học 2013 - 2014 với nhiều hiệu chỉnh, thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, ngay từ năm học 2012 - 2013, TPHCM đã chủ động đi trước qua việc ban hành văn bản số 2089/GDĐT-TH quy định trong 2 tuần lễ đầu tiên của năm lớp 1, tất cả giáo viên không được cho điểm học sinh, chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khuyến khích, đặc biệt chú trọng việc khen ngợi, ghi nhận sự tiến bộ của các em. Tùy tình hình giảng dạy của từng trường, quy định có thể kéo dài đến tuần lễ thứ 3 hoặc thứ 4. Trong thời gian đó, giáo viên không được phân biệt giữa học sinh biết và chưa biết đọc, viết nhằm tạo tâm lý thoải mái cho các em. 

Riêng về vấn đề cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, đây là thực trạng không mới, năm nào cũng “đến hẹn lại lên” của ngành giáo dục. Từ sau Tết Nguyên đán, phụ huynh đã đổ xô tìm thầy cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Điều này xuất phát từ một số bất cập trong hệ thống nhà trường, khi lớp đông, giáo viên phân học sinh ra làm hai nhóm cho dễ quản lý, nhóm biết chữ rồi thường được điểm cao, nhóm chưa biết chữ điểm thấp gây tâm lý không tốt cho các em. Mặc dù đã có quy định không cho điểm học sinh trong 2 - 4 tuần lễ đầu năm học nhưng do thói quen, một bộ phận giáo viên vẫn cho điểm tạo tâm lý lo lắng cho phụ huynh. Tuy nhiên, như chính tên gọi của các môn học ở bậc học này đều bắt đầu bằng chữ “tập”, tập viết, tập đọc, tập làm văn…

Quản lý giáo dục lớp 1 không ủng hộ việc viết chữ đẹp mà chỉ đặt ra yêu cầu viết đúng. Do đó, phụ huynh không nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1, ảnh hưởng không tốt tâm lý háo hức, muốn tìm hiểu, khám phá cái mới của trẻ khi vào bậc học này. Khi “cầu” không còn thì “cung” sẽ triệt tiêu. Ở cấp độ quản lý, năm nào chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, giám sát. Tôi tin nếu mạnh dạn làm, tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ biến mất.

Thu Tâm thực hiện

Tin cùng chuyên mục