• Vùng đặc biệt khó khăn có thể tổ chức cụm thi tại tỉnh
(SGGPO).- Sáng 10-12, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Cục phó Cục Khảo thí-Kiểm định chất lượng giáo dục, Trần Văn Nghĩa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vẫn kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi CĐ - ĐH như những năm trước đây, chỉ điều chỉnh, khắc phục những hạn chế và mở rộng cụm thi liên tỉnh. Dự kiến có 34 cụm thi và mỗi cụm thi sẽ do tỉnh/TP trực thuộc TW thành lập một ban chỉ đạo cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh/TP làm trưởng ban. Như vậy, 2 tỉnh sẽ có một cụm thi và do trường ĐH có uy tín, kinh nghiệm chủ trì, đảm bảo độ tin cậy, an toàn.
Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên các trường CĐ - ĐH và giáo viên các trường THPT. Vị trí đặt cụm thi phải đảm bảo thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại cho thí sinh. Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, nếu UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh và do các trường ĐH chủ trì.
Về đề thi, vẫn tương tự theo đề thi tốt nghiệp THPT và thi CĐ - ĐH năm 2014. Tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu sẵn có. Lệ phí thi, dự kiến là 35.000 đồng/môn.
Hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý thi. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ.
Phát biểu tại hôi nghị tập huấn công tác thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phạm Văn Linh nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW.
Khánh Bình