Mối quan hệ giữa ngành du lịch và khí hậu đã được nghiên cứu vào những năm 1970, bắt đầu từ việc kiểm tra các ngưỡng khí hậu để xác định độ dài của mùa nhằm chuẩn bị các hoạt động du lịch cho phù hợp. Khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm và chi tiêu du lịch vì nhiều điểm du lịch được liên kết chặt chẽ với môi trường tự nhiên. Một số loại hình du lịch cần những điều kiện khí hậu rất đặc biệt, ví dụ như du lịch bãi biển, thể thao mùa đông hoặc du lịch y tế chăm sóc sức khỏe. Do vậy, hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ gây những ảnh hưởng mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng đến khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững và sự phát triển của ngành du lịch.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch
Tác động trực tiếp bao gồm các ảnh hưởng về doanh thu, chi phí hoạt động (sưởi ấm, làm mát hàng ngày, phí bảo hiểm), thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
Khí hậu là tiền đề quyết định cho các hoạt động du lịch, xác định sự phù hợp của địa điểm và thời gian, chất lượng sản phẩm. Sức mua của du khách trong mùa du lịch cũng phụ thuộc vào khí hậu và tác động đáng kể đối với các mối quan hệ cạnh tranh giữa các địa điểm và lợi nhuận của các doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, BĐKH gây ra một số hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm: nhiệt độ cao hơn vào ban ngày ở gần như tất cả các vùng, cường độ cơn bão nhiệt đới và gió lớn, lượng mưa cao và hạn hán kéo dài… Từ đó, ngành công nghiệp du lịch sẽ tăng thiệt hại về cơ sở hạ tầng, các yêu cầu khẩn cấp, chi phí điều hành cao hơn (ví dụ như bảo hiểm, nước dự phòng, công tác sơ tán…) và gián đoạn công việc kinh doanh.
Du lịch bãi biển là loại hình du lịch cần những điều kiện khí hậu rất đặc biệt. Ảnh: CAO THĂNG
Tại Việt Nam, bão lũ, ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hóa, tài nguyên du lịch. Các công trình dịch vụ du lịch bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của bão lũ cường độ mạnh gây xói mòn. Mưa nhiều kèm theo gió, bão hoặc nắng gắt nhiệt độ tăng cao cũng làm cho vật liệu kiến trúc nhanh xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tiền của, công sức của nhà nước và người dân. Việc gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, mưa quá nhiều, nắng quá nóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận chuyển hành khách (đường hàng không, đường bộ, đường thủy), từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu hoạt động tại các địa điểm du lịch ngoài trời (rừng ngập mặn ở Cần Giờ, khu du lịch sinh thái ở Củ Chi…).
Ngoài ra, ảnh hưởng của BĐKH gây tác động gián tiếp lên hoạt động du lịch qua các lĩnh vực khác liên quan như giao thông, năng lượng, quản lý nước, sử dụng đất (cho dịch vụ du lịch), an ninh quốc phòng…
Do điều kiện môi trường là yếu tố quan trọng đối với ngành du lịch, sự BĐKH trong phạm vi rộng sẽ gián tiếp gây ra các tác động tiêu cực và sâu sắc đến du lịch ở những mức độ khác nhau như chất lượng nguồn nước giảm, mất đa dạng sinh học, giảm thẩm mỹ cảnh quan, thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, tăng thiên tai, xói mòn bờ biển và ngập lụt, thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và dịch bệnh. Núi, hải đảo, vùng ven biển là các điểm đến đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương với BĐKH. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn bởi BĐKH cũng dẫn đến việc hạn chế về điều kiện để phục vụ khách hàng, làm giảm độ hấp dẫn của điểm du lịch, giảm lượng khách và khả năng tiêu dùng.
Như vậy, BĐKH ảnh hưởng đến doanh thu của các dịch vụ phục vụ cho ngành du lịch, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
BĐKH được cho là gây nguy hiểm cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và sự ổn định chính trị của một số quốc gia. BĐKH gây thiệt hại về doanh thu, do đó giảm khả năng phát triển kinh tế và có thể dẫn đến bất ổn về chính trị và an ninh quốc gia. Trong khi đó, sự an toàn của du khách có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hiện tượng thời tiết cực đoan, gián tiếp ảnh hưởng an toàn giao thông, sức khỏe (do dịch bệnh)…
Tất cả các doanh nghiệp du lịch và các điểm du lịch sẽ cần phải thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan và tận dụng cơ hội mới, trong một nền kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.
Tác động của ngành du lịch đến biến đổi khí hậu
Theo thống kê sơ bộ từ UNEP (Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc) và UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), năm 2007, ngành du lịch thế giới nói chung đã phát thải khoảng 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu và đóng góp 4,6% trong sự nóng lên toàn cầu trong điều kiện cưỡng bức bức xạ (radiative forcing). Việc kiểm kê chính xác lượng phát thải trong ngành du lịch còn nhiều khó khăn vì du lịch là lĩnh vực mang tính chất rộng lớn với sự tham gia của nhiều lĩnh vực khác bao gồm: giao thông, năng lượng, chất thải rắn, tài nguyên nước, nông - lâm nghiệp, xây dựng. Các thành phần trên đóng góp các mức độ khác nhau trong vấn đề phát thải khí CO2 do lượng phát thải và tiêu thụ năng lượng tùy thuộc vị trí và quy mô của các loại hình dịch vụ. Cụ thể:
- Giao thông vận tải phát thải qua việc sử dụng năng lượng cho việc di chuyển giữa các khu vực trong chuyến du lịch tham quan danh lam thắng cảnh (bằng xe hơi, tàu hỏa, tàu thủy, phà, máy bay…). Các lĩnh vực vận tải, bao gồm hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt, đóng góp tỷ lệ lớn nhất với 75% lượng khí thải. Trong đó, đường sắt chiếm 13%, đường hàng không gây ra 54% - 75% lượng phát thải và là thành phần chính gây phát thải trong lĩnh vực du lịch cho sự nóng lên toàn cầu, chịu trách nhiệm 40% lượng khí CO2 tổng thể.
- Nơi lưu trú như khách sạn, nhà hàng, các khu trung tâm giải trí liên quan đến việc sử dụng năng lượng để vận hành các thiết bị phục vụ các khu vực ăn nghỉ, hoạt động các nhà hàng, quán bar, sàn nhảy, rạp chiếu phim… gây khoảng 20% lượng khí thải.
- Các hoạt động du lịch khác như các bảo tàng, khu vui chơi giải trí, công viên, sự kiện hoặc mua sắm cũng gây nên khoảng 3,5% lượng khí thải từ du lịch.
Trong 6 năm gần đây, TPHCM và cả nước đã có những động thái tích cực đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ ứng phó với BĐKH tại Việt Nam của các tổ chức nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ cũng rất tích cực. Các hoạt động triển khai bao gồm hai mục tiêu chính là thích ứng và giảm thiểu. Trong đó nổi bật là các nội dung: Đánh giá mức độ BĐKH ở Việt Nam và mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả ứng phó các tác động BĐKH; nâng cao năng lực thể chế; nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH; thống kê nguồn khí phát thải; áp dụng công nghệ thân thiện môi trường; tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị…
TPHCM cũng đã quan tâm tác động của BĐKH đến ngành du lịch. Tuy nhiên, số liệu điều tra khảo sát ở lĩnh vực này còn rất hạn chế. Để có số liệu có cơ sở khoa học về ảnh hưởng của BĐKH đến ngành du lịch TPHCM và đề xuất các chương trình thích ứng và giảm thiểu, trong tương lai, TP cần đầu tư cho các chương trình nghiên cứu, điều tra khảo sát như sau: Tính toán tiềm năng giảm phát thải trong du lịch; giảm phát thải thông qua giảm lượng tiêu thụ năng lượng điện từ các khu lưu trú, nhà hàng, khu du lịch; giảm phát thải thông qua sử dụng nước hiệu quả trong các khu lưu trú, nhà hàng, khu du lịch; phát triển du lịch đường sông trên địa bàn TP; phát triển du lịch sinh thái (du lịch bền vững) v.v…
|
HỒNG LAN (Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM)