Dự SEA Games 26 bằng kinh phí xã hội hóa

Xã hội hóa kinh phí tập luyện và tham gia các cuộc tranh tài chẳng phải là điều mới lạ. Nhiều nước đã thực hiện chuyện này và ở các kỳ SEA Games trước, một vài môn của Việt Nam từng đi thi đấu theo phương thức vừa nêu. Tuy nhiên, trong lần đến Indonesia năm nay, số môn và VĐV đi bằng kinh phí xã hội hóa nhiều hơn với 126 quan chức và VĐV thuộc 9 môn.
Dự SEA Games 26 bằng kinh phí xã hội hóa

Xã hội hóa kinh phí tập luyện và tham gia các cuộc tranh tài chẳng phải là điều mới lạ. Nhiều nước đã thực hiện chuyện này và ở các kỳ SEA Games trước, một vài môn của Việt Nam từng đi thi đấu theo phương thức vừa nêu. Tuy nhiên, trong lần đến Indonesia năm nay, số môn và VĐV đi bằng kinh phí xã hội hóa nhiều hơn với 126 quan chức và VĐV thuộc 9 môn.

Trong 9 môn thể thao kể trên, 3 môn có tiềm năng (bóng rổ, bowling, bơi nghệ thuật) nên cần được cọ xát, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận thành tích khu vực. Số còn lại là các môn thể thao mới hội nhập quốc tế như: dù lượn, patin, leo tường, bóng chày, shorinji kempo. Đây là những môn sẽ được thi đấu ở Asian Beach Games, Asian Indoor&Martial Arts Games. Hầu hết những môn này đều do Sở VH-TT-DL hoặc các Liên đoàn thể thao ở TPHCM vận động, riêng 2 môn bowling và dù lượn có liên kết với Hà Nội.

Dự SEA Games 26 bằng kinh phí xã hội hóa ảnh 1

Bóng rổ - một trong những môn thể thao dự SEA Games 26 bằng kinh phí xã hội hóa. Ảnh: Q.Th

Nguồn kinh phí xã hội hóa lần này khá đa dạng. Chi phí cho môn shorinji kempo được Ủy ban Olympic Việt Nam giải quyết, trong lúc một số doanh nghiệp tham gia tài trợ các môn còn lại. Cụ thể như: VCT 9 Let’Việt và CLB leo núi Xrock Climbing lo cho môn leo tường; Saigontouris và IDG Ventures Việt Nam tài trợ cho bóng rổ; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Hội bóng chày TPHCM thì lo môn bóng chày.

Bên cạnh đó, Trung tâm TDTT quận 11 lo cho patin (có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ chuyên môn), hoặc DesJojaux gắn với bơi nghệ thuật. Thậm chí, các VĐV dù lượn còn tự trang trải chi phí di chuyển ra tận Đà Lạt, Đà Nẵng để tập luyện, hoặc bowling được sự hỗ trợ một phần của Superbowl. Riêng Hội Golf Việt Nam đã đưa các golf thủ sang Mỹ tập huấn. Tarung derajat - một môn võ truyền thống của Indonesia - thi đấu biểu diễn, mang tính giao lưu, không tính vào bảng tổng sắp huy chương - do nước chủ nhà đài thọ.

Những kết quả vừa nêu thể hiện nguồn lực xã hội rất to lớn nhưng trong thời gian qua chưa được quan tâm, vận động và khai thác đúng mức. Theo một lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 26, trên đường hội nhập cùng thể thao thế giới, đợt vận động xã hội hóa kinh phí tập luyện và tham dự SEA Games 26 không nặng về thành tích thi đấu mà nhằm phát triển những môn thể thao mới, những môn thể thao giải trí theo xu thế chung của thế thao thế giới là kết hợp giữa thể thao Olympic và thể thao giải trí để phong phú hóa các môn thể thao đồng thời đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Huy động các nguồn lực xã hội cũng là tiền đề để từng bước chuyển giao công việc tác nghiệp chuyên môn, xây dựng đội tuyển cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong tương lai.

Tổ chức một số môn dự SEA Games 26 bằng phương thức xã hội hóa còn hướng đến việc tạo một bước chuyển cho các nhà quản lý, HLV, VĐV - tập luyện, tham gia các giải đấu bằng tinh thần chủ động góp công sức, tài chính để tự hoàn thiện, khẳng định vị trí của môn thể thao mà mình yêu thích chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Kết quả lần này sẽ được đúc rút kinh nghiệm để dần dần hướng đến một số môn thể thao khác, nhất là những môn có số lượng lớn quần chúng tham gia, hâm mộ.

TRÚC QUỲNH

Tin cùng chuyên mục