Dự thảo Luật Giáo dục đại học - Đã sửa, vẫn bộn bề

Ngày 9-2, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục đại học trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2012.

Ngày 9-2, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục đại học trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2012.

  • Nên chỉ có một đầu mối quản lý giáo dục đại học

Xã hội đang mong chờ Luật Giáo dục đại học ban hành sẽ có tác dụng thật sự vào việc chân chính, củng cố, phát triển nền giáo dục đại học nước nhà, góp phần tạo nên bước đột phá trong tiến trình thực hiện chiến lược CNH-HĐH, hội nhập quốc tế. Các vấn đề về giáo dục đại học mà dư luận đang quan tâm yêu cầu làm rõ là mô hình tổ chức, hoạt động và việc phân tầng, phân loại các cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường ĐH; xã hội hóa giáo dục đại học với các vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận; bảo đảm và kiểm định chất lượng; tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với giảng viên, quyền và nghĩa vụ của người học; quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Thực tế, các vấn đề trên cũng là điều được đông đảo các chuyên gia giáo dục quan tâm đóng góp cho dự án luật này. Về vấn đề xã hội hóa và tài chính giáo dục, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, theo dự thảo mới nhất không còn loại trường ĐH lợi nhuận, không còn vấn đề chia chác lợi nhuận. Điều này được nhiều ý kiến đồng ý. “Nhưng vấn đề là luật cần nêu rõ phải minh bạch tài chính cả ở cấp trường, trong đó có cả các trường nước ngoài lẫn các cấp khác, cả ở cấp Chính phủ”, GS Hạc đề xuất.

Riêng về quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, nhiều ý kiến cho rằng hiện tại vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này đang bị phân tán, chia cắt, vì vậy luật cần thống nhất quản lý về một đầu mối. “Phân cấp, phân quyền để bảo đảm tự chủ ĐH là cần thiết nhưng tạo sự quản lý thống nhất để phát triển giáo dục đại học là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Cần gom hết các trường ĐH-CĐ của các bộ ngành riêng lẻ về Bộ GD-ĐT quản lý, không nên để phân tán như hiện nay, không thể kiểm soát được”, GS Hương đề xuất.

  • Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình

Hầu hết các ý kiến đồng ý giáo dục đại học cần được tự chủ cả về tài chính, tổ chức, tuyển sinh, chương trình giáo dục, hợp tác quốc tế. Tự chủ chắc chắn sẽ tăng cơ hội cho các trường phát triển, cạnh tranh, bình đẳng và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, tự chủ phải gắn liền với việc kiểm tra, giám sát về quản lý nhà nước, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng các trường hoạt động ngoài quỹ đạo, nhất là về cơ cấu ngành nghề đào tạo tràn lan, thiếu định hướng, không hiệu quả.

Hoan nghênh Thường vụ Quốc hội xác định tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học nhưng GS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, vẫn cho rằng lập luận của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về vấn đề này vẫn còn sơ sài.

“Cần phải quy định rõ trong mỗi lĩnh vực trường ĐH có quyền gì, Nhà nước nắm quyền gì. Ví dụ các trường phải được tự quyết định chương trình đào tạo của các ngành, còn Bộ GD-ĐT chỉ quy định bắt buộc các trường phải giảng dạy một số môn khoa học nhân văn, lý luận chính trị và một số môn thuộc khối kiến thức cơ sở. Các trường cũng cần được tự chủ về mở ngành đào tạo mới, kể cả tự chủ về tuyển sinh”, ông Sơn đề xuất.

Theo GS Sơn, cần để các trường tự chủ về thời gian tuyển sinh, không nhất thiết phải tổ chức một năm chỉ một đợt thi ĐH-CĐ như hiện nay. Các trường căn cứ nhu cầu của mình có thể tuyển nhiều hơn một lần trong 1 năm với điều kiện bảo đảm chất lượng thông qua điểm sàn.

Ở một khía cạnh khác, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, trong dự thảo lần 5 này, quyền tự chủ đại học đã được quy định khá rộng và chi tiết. Tuy nhiên quy định về trách nhiệm giải trình của các trường lại khá mờ nhạt và không rõ ràng. Cần bổ sung một điều về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học để tạo quan hệ cân bằng giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình.

  • Cần làm rõ việc phân tầng đại học

Góp ý kiến về vấn đề tổ chức ĐH, GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên thẳng thắn, vướng mắc nhất trong Luật Giáo dục đại học là các ĐH vùng, vì 2 ĐHQG trực thuộc Chính phủ nên không có vướng mắc như ĐH vùng.

“Dự thảo luật quy định ĐH vùng và các trường thuộc ĐH vùng đều là cơ sở giáo dục đại học, tức là có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vậy thì ĐH vùng đóng vai trò gì khi từng thành viên của nó đã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Còn nếu cắt xén quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường thành viên cũng không ổn vì quy mô của họ đều lớn. Vì vậy, để giải quyết chỉ có 2 cách hoặc nâng cấp ĐH vùng lên thành ĐHQG hoặc giải thể các ĐH vùng”, ông Hiển nói. Đồng thời cho rằng, việc không xác định rõ được vai trò, vị trí của ĐH vùng vừa làm cho công tác quản lý thêm phức tạp, tốn kém ngân sách, vừa kém hiệu quả.

Ông Hiển cũng cho rằng, phân tầng các trường ĐH là rất quan trọng để định hướng đào tạo và định hướng đầu tư các nguồn lực. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn nhầm lẫn phân tầng với phân loại, xếp hạng các trường ĐH. Luật cần có hẳn một điều về phân tầng ĐH trong đó nói rõ phân tầng các trường ĐH thành 2 loại: theo định hướng nghiên cứu, theo định hướng nghề nghiệp. Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cao cho các trường ĐH nghiên cứu để tạo thành các trường ĐH có đẳng cấp quốc tế.

Ở dự thảo luật trước đó, một trong nội dung bị phản đối gay gắt là quy định chủ tịch hội đồng trường ĐH là hiệu trưởng hoặc giám đốc trường. Điều này được cho sẽ dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Dự thảo lần này quy định “Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan chủ quản trường ĐH bổ nhiệm”.

Nhận định rằng sửa đổi này đã tiến bộ hơn nhưng PGS Bùi Ngọc Sơn, vẫn cho rằng cần quy định rõ “chủ tịch hội đồng trường là chuyên trách, hiệu trưởng chỉ là một thành viên đương nhiên của hội đồng trường như điều lệ trường ĐH hiện nay đang được áp dụng”. 

THÀNH VINH

Tin cùng chuyên mục