Năm học 2012 - 2013 là năm đầu tiên TPHCM triển khai rộng rãi mô hình đưa âm nhạc dân tộc vào dạy ở các trường tiểu học. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh chưa nhiều nhưng năm học 2013 - 2014 tiếp tục là năm TP đặt mục tiêu đẩy mạnh triển khai mô hình này nhằm góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, biết tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tín hiệu vui
10 năm trước, đề án “Dạy âm nhạc dân tộc theo phương pháp học mà chơi” đã được GS Trần Văn Khê khởi động và đưa vào thử nghiệm tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM). Dù quy mô thực hiện khi đó chưa lớn, phạm vi áp dụng chỉ trong một nhóm học sinh khoảng 20 em nhưng dự án bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định, tạo được sự chú ý, quan tâm của phụ huynh, đồng thời góp thêm một làn gió mới vào việc dạy nhạc tại trường tiểu học. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đề án, mô hình chẳng những không được tiếp tục áp dụng mà còn rơi vào quên lãng. Mãi đến gần đây, vấn đề phổ cập âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học mới được đề cập trở lại.
Năm học 2012 - 2013 đánh dấu sự ra đời của hàng loạt câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt âm nhạc dân tộc tại các trường tiểu học. Thầy Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) cho biết, CLB dân ca của trường hiện có hơn 50 thành viên sinh hoạt. Ngoài các lớp dạy hát, múa dân ca, hò, vè với bộ nhạc cụ đệm gõ, học sinh còn được tham gia tập luyện, dàn dựng các tiết mục văn nghệ biểu diễn trong các ngày lễ lớn của trường như lễ khai giảng, 20-11 và tổng kết năm học.
Tương tự, tại các trường tiểu học Trần Bình Trọng, Bàu Sen, Minh Đạo (quận 5), CLB sinh hoạt âm nhạc dân tộc đã đi vào ổn định, hoạt động 2 buổi vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy. Ngoài ra, trong các giờ học ngoại khóa, giáo viên ở những đơn vị này đã có ý thức lồng ghép kiến thức về nhạc cụ dân tộc vào các tiết học vẽ tranh, vận động sáng tạo. Riêng đối với Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3), mỗi tuần một lần học sinh 2 khối 3 và 4 được trực tiếp học đàn tranh với một nghệ sĩ nổi tiếng của TP.
Anh M.T., phụ huynh có con đang học tại đây, cho biết: “Từ trước đến nay, học nhạc nói chung và nhạc dân tộc nói riêng theo chương trình sách giáo khoa hiện hành, các cháu chỉ được học chay trên lớp, nhận biết nhạc cụ thông qua tranh, ảnh minh họa. Tuy nhiên, từ khi nhà trường mở CLB sinh hoạt ngoại khóa, trang bị góc trưng bày nhạc cụ, con tôi thích lắm vì lần đầu tiên cháu được tiếp xúc, thực hành biểu diễn trên các loại nhạc cụ”. Về phía ban giám hiệu, nhà trường còn không ít lần tổ chức các hội diễn văn nghệ, triển lãm tranh về văn hóa dân tộc, mở các cuộc thi kể chuyện, sưu tầm đồng dao, mời các nhóm nghệ sĩ âm nhạc dân tộc về trường biểu diễn khiến hiệu quả việc học tăng lên đáng kể.
Chú trọng bồi dưỡng giáo viên
Mặc dù nhận được nhiều quan tâm, ủng hộ từ phía học sinh nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay ở các trường là kinh phí thực hiện và trình độ giáo viên giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Kim Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5), bày tỏ: “Kinh phí trang bị các loại nhạc cụ hiện nay không nhỏ. Nếu không có sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh, bản thân nhà trường cũng gặp khó. Đó là chưa kể trình độ giáo viên dạy nhạc hiện nay không đồng đều, không phải ai cũng được đào tạo bài bản về chuyên ngành âm nhạc dân tộc. Do đó, dù nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp lãnh đạo nhưng thực tế hiện nay cho thấy có trường dạy, trường không”.
Đồng quan điểm, giáo viên dạy nhạc một trường tiểu học ở quận 3 cho biết: “Không thể áp dụng mãi cách làm mời các nhóm nghệ sĩ về trường biểu diễn vì không có kinh phí. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy nhạc mới là những người trực tiếp truyền lửa cho học sinh. Vì vậy, nguyện vọng chung của giáo viên TP là Sở GD-ĐT mở thêm các lớp bồi dưỡng về âm nhạc dân tộc, hỗ trợ các trường kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện”.
Bên cạnh đó, hạn chế không có phòng chức năng cũng là một trong những yếu tố trở ngại cho quá trình thực hiện. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng cho biết, trường hiện chưa có phòng chức năng riêng biệt cho việc học nhạc. “Cách làm của chúng tôi hiện nay là dành riêng một góc trong thư viện để trưng bày các loại nhạc cụ dân tộc. Học sinh nào có nhu cầu có thể liên hệ thư viện để tìm hiểu thêm về những loại nhạc cụ đó”, cô Ân cho biết. Đây là cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.
Khi mà năm học nào TPHCM cũng gồng mình đón nhận thêm hàng ngàn học sinh đến tuổi đi học, trường, lớp luôn trong tình trạng quá tải thì việc trang bị một phòng chức năng có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, phục vụ các giờ học ngoại khóa dường như là một mong ước xa xỉ đối với nhiều ngôi trường. Vậy nên chăng, khi chúng ta triển khai một mô hình nhưng sự đầu tư cần thiết nhất như trang thiết bị, cơ sở vật chất và trình độ giáo viên hầu như chưa có, việc thực hiện mới do các trường tự thân vận động? Câu trả lời xin nhường lại cho các cấp lãnh đạo và quản lý của TP.
THU TÂM