Đưa hàng Việt thâm nhập Phnom Penh, Campuchia - Chọn hàng có phẩm cấp cao

Hàng Việt Nam đã có vị thế khá vững chắc tại thị trường Campuchia. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước, năm nay các sản phẩm có phẩm cấp cao, có thương hiệu nổi tiếng và có bao bì, mẫu mã đẹp đang được tiêu thụ khá mạnh.
Đưa hàng Việt thâm nhập Phnom Penh, Campuchia - Chọn hàng có phẩm cấp cao

Hàng Việt Nam đã có vị thế khá vững chắc tại thị trường Campuchia. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước, năm nay các sản phẩm có phẩm cấp cao, có thương hiệu nổi tiếng và có bao bì, mẫu mã đẹp đang được tiêu thụ khá mạnh.

  • Chen nhau mua hàng Việt

Hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ TPHCM - Campuchia diễn ra tại thủ đô Phnom Penh từ ngày 3-4 đến hết ngày 7-4-2013, thu hút 120 doanh nghiệp (DN) tham gia, trưng bày hàng hóa tại 220 gian hàng với gần 10 nhóm mặt hàng khác nhau. Chỉ sau một đêm khai mạc, sáng hôm sau chúng tôi quay trở lại hội chợ thì nhiều gian hàng đã trống rỗng, với lý do hết hàng, đang chờ hàng đưa từ VN sang hoặc từ các trung tâm phân phối tại Campuchia chi viện.

Tại các gian hàng của các DN chuyên sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm chế biến như Vissan, muối tôm Tây Ninh… người dân chen nhau để được nếm thử và mua sản phẩm của các DN VN, bất chấp cái nắng nóng lên tới 40°C. Tại gian hàng của Vinamilk, khách hàng cũng phải chen nhau mới mua được sữa chua, nước trái cây các loại. Tương tự, với các nhãn hàng khác như tương cà, tương ớt của Cholimex, nước mắm 584 Nha Trang, nước nắm Chinsu,… cũng được tiêu thụ khá mạnh.

Người dân Campuchia nếm thử và tìm hiểu các sản phẩm trái cây sấy khô tại triển lãm thương mại dịch vụ TPHCM - Campuchia.

Người dân Campuchia nếm thử và tìm hiểu các sản phẩm trái cây sấy khô tại triển lãm thương mại dịch vụ TPHCM - Campuchia.

Hội chợ năm nay tiếp tục xuất hiện nhiều gương mặt mới như Nhabexims, Sadaco… Bà Phạm Thị Minh Tâm, phụ trách gian hàng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nhà Bè (Nhabexims) cho biết, hiện các sản phẩm củ, quả và trái cây sấy của công ty đã đưa vào Campuchia, thông qua một số kênh siêu thị với số lượng chưa nhiều. Do vậy, Nhabexims đã quyết định tham gia hội chợ để tiếp thị trực tiếp hàng hóa với người dân Campuchia. Chỉ sau một đêm bán hàng, kết quả mang lại rất đáng phấn khởi. Đó là khi dùng thử sản phẩm, nhiều người cho rằng trái cây sấy của Nhabexims ngon hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Các mặt hàng tương đối cao cấp như tỏi sấy, củ sen sấy, khổ qua sấy và bí đỏ sấy, được bán với giá từ 3.000 - 5.000 real/gói… được nhiều khách hàng ưa chuộng. Điều này chứng tỏ các mặt hàng của Nhabexims đang đứng trước nhiều cơ hội để đẩy mạnh thị phần tại thị trường này, đặc biệt là tại các kênh phân phối ở chợ và cửa hàng tạp hóa. Theo bà Tâm, sau hội chợ này, Nhabexims sẽ tính chuyện đường dài tại Campuchia.

  • Thời của hàng có phẩm cấp cao

Theo quan sát của chúng tôi, hội chợ năm nay những sản phẩm có kiểu dáng đẹp, giá bán cao hơn nhưng lại được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn. Theo đó, với sản phẩm cùng loại nhưng những thương hiệu lớn của VN cũng sẽ được người tiêu dùng mua nhiều hơn. Ông Tith Chamroeun, quản lý ngành hàng thực phẩm của Công ty Green Home (Phnom Penh) phân phối nước mắm và nước tương Sobi của nhãn hàng Nam Dương, cho biết hình ảnh con mèo đen đang trở nên quen thuộc với người dân Campuchia, nhưng hàng bán vào chợ thì loại giá rẻ còn chiếm tỷ lệ cao.

Nhưng tại hội chợ năm nay, Green Home muốn đẩy mạnh hàng phẩm cấp cao hơn của Nam Dương, kết quả nước tương Sobi loại 2.500 real/chai bán nhiều hơn loại 1.500 real/chai. Theo ông Tith, số người dân Phnom Penh thích dùng hàng cao cấp đang tăng lên, nhưng muốn thu hút sự quan tâm của họ thì phải đầu tư hình ảnh sản phẩm thật nổi bật, đẹp và bắt mắt.

Cùng quan điểm này, ông Kong Kheang, giám đốc điều hành Công ty thương mại Dragon (Phnom Penh), tổng đại lý phân phối sản phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex tại Campuchia cũng cho rằng, Dragon hiện phân phối các loại tương ớt, tương cà của Cholimex và bánh Kinh Đô khá tốt ở 16 tỉnh và sẽ phủ hết 24 tỉnh trong thời gian gần nhất.

Lý do để Dragon chọn phân phối các loại tương ớt, tương cà của Cholimex vì chất lượng những sản phẩm ngon hơn hàng cùng loại nhập khẩu từ các nước khác. Ba tháng đầu năm 2013, doanh số các sản phẩm của Cholimex tăng 30% so với 3 tháng cuối năm 2012. Hiện Dragon đang đẩy mạnh thị phần của Cholimex vào phân khúc nhà hàng, khách sạn cao cấp. Trong thời gian tới, Dragon tiếp tục tìm kiếm những thương hiệu sản phẩm có uy tín ở VN để phân phối tại Campuchia.

Theo kinh nghiệm của ông Kong Kheang, với những DN bước đầu thâm nhập thị trường Campuchia cần tập trung đầu tư quảng bá tốt vào một, hai mặt hàng trọng tâm. Khi những mặt hàng này có thị phần tốt rồi thì việc đưa những sản phẩm khác vào thị trường sẽ không khó, vì giá cả sẽ không chi phối nhiều đến quyết định của người tiêu dùng.

Đại diện nhiều DN của VN như Vinamilk, Vissan, Mỹ phẩm Sài Gòn cũng cho rằng, cho dù công ty đã mở được nhiều đại lý ở một số tỉnh của Campuchia, doanh số tăng trưởng rất tốt nhưng đều đặn 1 năm 2 lần, họ vẫn tham gia các kỳ hội chợ để hỗ trợ thêm cho các nhà phân phối. Cách làm này khiến các đối tác rất hài lòng bởi chính từ hội chợ, quảng bá thương hiệu sẽ giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.

Nhìn nhận về vị thế hàng Việt tại Campuchia, ông Kep Chuk Tima, Thị trưởng thủ đô Phnom Penh cho rằng, Campuchia là một thị trường mở. Hàng hóa vào Campuchia khá dễ dàng nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Hiện tại nhiều nhóm hàng ngành của VN đã thực sự “bám rễ” tại thị trường này nhưng để đạt được tốc độ phát triển bền vững và cạnh tranh tốt với hàng của các nước, bên cạnh chất lượng tốt, giá cả thì DN VN cần có sự đầu tư bài bản để liên tục làm mới bao bì, mẫu mã, đồng thời tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu ngày càng tốt hơn.

Là người theo dõi và chỉ đạo xuyên suốt công tác xúc tiến thương mại của TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý các DN, việc tổ chức các kỳ hội chợ nhằm tạo cơ hội cho DN tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng của Campuchia. Nhưng để trụ vững ở thị trường này và cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác thì DN VN phải giữ chất lượng sản phẩm tốt, đa dạng mẫu mã, đồng thời nhanh chóng phát triển mạng lưới phân phối để hàng VN có mặt thường xuyên tại đây. Bằng không, sau hội chợ, người tiêu dùng cũng sẽ quên ngay hàng Việt. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục