Tiết học chiều thứ ba của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5, TPHCM) khác mọi ngày với sự xuất hiện của các thầy cô mới. Những bài giảng bằng hình ảnh trực quan sinh động khiến các em học sinh lúc thì tròn xoe mắt thích thú, khi thì ôm mặt sợ hãi nhưng liền sau đó lại khiến các em ghi nhớ với nhiều bài học bổ ích.
Tự bảo vệ mình
Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường, nạn bắt cóc và xâm hại tình dục trẻ em gia tăng khiến nhiều phụ huynh bất an. Nhưng dù các bậc cha mẹ có dành thời gian cho con cái đến đâu cũng không thể dõi theo con suốt 24/7 và càng không thể bảo bọc con mình suốt đời. Do đó trẻ cần được rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình để có thể chống lại những tình huống xấu nếu có xảy ra. Để làm được điều đó trẻ cần có một khối lượng kiến thức vững vàng, kỹ năng cần thiết và sự nhanh nhẹn để có thể tự ứng phó với từng tình huống. Nhằm giúp trẻ trang bị những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TPHCM cùng các cộng sự đã xây dựng chương trình “Hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại” cho đối tượng học sinh tiểu học.
Ở lớp học kỹ năng tự bảo vệ mình, các em sẽ được xem một đoạn phim ngắn trong đó có rất nhiều tình huống nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ. Những hình ảnh sống động như những chú rối xinh xắn hay công chúa Bạch Tuyết bị mụ phù thủy dụ dỗ… nhanh chóng thu hút sự chú ý của các bạn nhỏ. Sau mỗi tình huống sẽ là một lời khuyên từ chuyên gia và khi xem hết đoạn phim, trẻ sẽ được tham gia trò chơi “Hỏi nhanh đáp gọn”. Sau buổi học, các bé có thể trả lời vanh vách những câu hỏi như: “Ai là người bảo vệ con tốt nhất? Ai là người con có thể tìm đến khi gặp nguy hiểm? Nếu người lạ cho con quà bánh hoặc muốn dắt con đi chơi thì con phải làm sao? Nếu con bị lạc con sẽ làm như thế nào?”… Đặc biệt, có một câu hỏi tưởng chừng như rất nhạy cảm nhưng cần thiết cũng được đề cập đến như: “Ai là người có thể chạm vào vùng riêng tư của con?”. Theo số liệu thống kê của cơ quan công an, mỗi năm có khoảng 1.500 trẻ em bị xâm hại, trong đó 80% bị xâm hại tình dục. Trong năm 2014, số vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em tăng 6,3% so với năm 2013. Đáng lo ngại hơn, khả năng các em quen biết kẻ xâm hại là 93% và có 47% kẻ xâm hại ở trong gia đình hoặc là họ hàng. Vì thế cần lý giải cho trẻ hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể làm hại trẻ và nếu không được sự đồng ý của trẻ thì không ai được phép chạm vào vùng riêng tư của trẻ cả.
Tiến sĩ Linh Trang và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5).
Những tấm lòng vì trẻ thơ
Xuất phát từ lời mời hợp tác làm phim của một người bạn, với mục đích là nhắc nhở trẻ - nhất là độ tuổi 9, 10 - biết bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, từ đó TS Lê Thị Linh Trang nảy ra ý tưởng đưa phim ngắn này vào giáo án để giảng dạy miễn phí cho học sinh khối lớp 4, 5 tại các trường tiểu học. TS Lê Thị Linh Trang cho biết: “Tôi đã chia sẻ ý tưởng này với một số học viên của Học viện Cán bộ là Ban giám hiệu các trường tiểu học, được các anh chị ủng hộ nhiệt tình nên chúng tôi đưa vào triển khai ngay. Trường tiểu học Trần Văn Kiểu (quận 10, TPHCM) là đơn vị đầu tiên tổ chức các lớp học này. Một buổi học với “cô giáo” Linh Trang không phải là kiểu học đại trà với hàng trăm học sinh mà là một tiết 45 phút cho một hoặc hai lớp gộp lại. Chị quan niệm, làm theo cách này tuy cực nhưng việc đến từng lớp sẽ giúp thầy cô dễ quan sát, đánh giá khả năng tiếp thu của các bé. Mỗi khi trả lời đúng câu hỏi, các em sẽ được nhận một món quà là bao lì xì 10.000 đồng. Đối với một đứa trẻ 9, 10 tuổi, đây là một món quà vừa vặn, nhưng không phải là để “dụ khị” các bé mà đây là cách để tiến sĩ Trang liên kết với các bậc phụ huynh. Chị chia sẻ: “Các trẻ sau một ngày đi học về thường “báo cáo thành tích” của mình cho bố mẹ. Nếu là quà bánh thì trẻ sẽ mở ra và sử dụng ngay, còn chiếc bao lì xì này, bé sẽ giữ cẩn thận để mang về nhà làm chiến tích. Tôi muốn các em kể những trải nghiệm ở trường với cha mẹ và tôi muốn nhắn gửi để các bậc phụ huynh có thể là những người nhắc nhở và cùng trẻ rèn luyện những kỹ năng tự bảo vệ mình”.
Những buổi học trên là một công việc tỉ mỉ, tâm huyết từ những tấm lòng ấm áp. Đến hôm nay đã có 6 thầy cô giáo cùng tham gia, trong đó có một giáo viên đang triển khai chương trình này ở Hà Nội. TS Lê Thị Linh Trang cho biết: “Tôi rất hãnh diện về đội của mình. Chúng tôi đã đến gần 20 trường tiểu học với hơn 2.000 học sinh đã được tham gia. Chương trình giáo dục “Hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại” mang tính thiện nguyện, chúng tôi sẵn lòng lên đường nếu các trường có yêu cầu, bởi điều mong mỏi của những người làm chương trình là được góp phần hành động để bảo đảm mọi trẻ em đều được an toàn”.
NGỌC UYỂN