Ray rứt người ở lại
Đã 1 năm từ ngày ba mất vì tai nạn lao động (TNLĐ), cũng là ngần ấy thời gian em Đặng Ngọc Châu (10 tuổi), ngụ quận 4 (TPHCM) sống trong nỗi lo sợ, bất an. “Thời gian đầu khi anh Tâm mới mất, con bé sợ ở một mình, lúc nào cũng bám lấy tôi. Sau thời gian dịch bệnh, đưa con đi học, tôi phải hứa mẹ sẽ ngồi trước cổng trường chờ đón về. Tan học, con bé ra cổng mà không thấy tôi đứng đợi sẵn là lại khóc òa lên”, chị Khuất Thị Hoàng Ngọc, vợ anh Đặng Quang Tâm tâm sự. Theo chị Ngọc, trước giờ anh Tâm luôn gần gũi, chăm sóc và đưa đón con đi học nên sau khi anh mất, cháu Ngọc như mất đi chỗ dựa vững chắc.
Cách nay hơn 1 năm, như những buổi sáng bình thường, anh Tâm ăn sáng xong và đi làm. Đến trưa, chị nhận được tin báo chồng bị TNLĐ khi đang làm việc. Trên đường chạy vào bệnh viện, chị vẫn nghĩ chồng chỉ bị thương vài hôm sẽ khỏe. Khi hay tin chồng mãi ra đi, chị Ngọc ngã quỵ. Cuộc sống chị Ngọc và con gái cũng từ đó khó khăn hơn.
Gần 6 tháng khi anh Tạ Phú Quỳnh (ngụ quận 8) mất vì tuột dây an toàn, té ngã từ tầng 4 công trình đang xây dựng, chị Đặng Thị Thu Hồng (vợ anh Quỳnh) phải một mình gồng gánh thay vị trí chồng để lo cho 2 con. “Việc làm bị gián đoạn do dịch Covid-19 gần 2 năm, nhưng mới đi làm lại được 1 tháng thì anh mất. Thậm chí anh không nhắn nhủ gì với mẹ con tôi”, chị Hồng nghẹn ngào. Chưa dịu nỗi đau mất chồng, chị Hồng phải tự mình vực lại tinh thần để lo tìm việc làm kiếm tiền nuôi con. Bởi từ nay, gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên đôi vai chị.
Thông tin từ Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ TNLĐ, làm chết 28 người, bị thương 2 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó tai nạn xảy ra nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng (11 vụ) và chủ yếu là do ngã từ trên cao.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, qua phân tích cho thấy nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ phần lớn do chủ quan từ cả người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra chủ yếu do không có biện pháp thi công an toàn khi làm việc trên cao. Công nhân không được trang bị đầy đủ dây an toàn hoặc không sử dụng dây an toàn đã được cấp phát, không có sàn thao tác đảm bảo an toàn, không có lan can bảo vệ che chắn, hay thậm chí đơn vị không treo biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí có nguy cơ.
Lơ là từ nhiều khâu
Trên thực tế, khi đến các công trường, nhà xưởng, ở những nơi dễ dàng nhìn thấy đều có các khẩu hiệu: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn”, hay “An toàn là trên hết”... Có khi khẩu hiệu này được doanh nghiệp làm logo và in lên đồng phục, nón bảo hộ. Thế nhưng, thực tế, xuất phát từ sự chủ quan, nhiều lao động và cả chủ sử dụng lao động đã không có biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, không cử người làm công tác an toàn tại đơn vị để tham mưu giải pháp. Bên cạnh đó, dù có khẩu hiệu tuyên truyền nhưng đơn vị lại không cấp phát trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho người lao động. Chính từ đó, ý thức đề phòng, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn khi thực hiện công việc chưa được nâng cao.
Theo Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, hàng năm, các doanh nghiệp vẫn lập kế hoạch bảo hộ lao động, phương án đảm bảo an toàn lao động trong thi công, định kỳ doanh nghiệp vẫn tiến hành thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, người lao động theo quy định. Nhưng công tác huấn luyện nhiều nơi vẫn mang nặng tính hình thức, nội dung chương trình bị cắt xén, nặng về lý thuyết, nhiều đơn vị không cử người tham gia thực hành sơ cấp cứu. Trong khi đó, đây là phần vô cùng quan trọng để sơ cấp cứu ban đầu cho người bị thương nếu xảy ra tai nạn. Điều đáng lo hơn là thiếu sự giám sát chặt chẽ ở các khâu, còn người lao động lại thiếu ý thức về an toàn, chủ quan với các hiểm họa.
Thực tế, các lý do dẫn đến TNLĐ hầu hết đều có thể tránh được nếu người lao động nâng cao ý thức và đơn vị đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn trong sản xuất. Tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài, kiến thức về an toàn lao động được hầu hết người lao động chấp hành nghiêm ngặt mọi lúc mọi nơi. Các khẩu hiệu an toàn sản xuất không chỉ được hô hào suông mà được đưa vào là một tiêu chí cho mọi hành vi trong sản xuất.
“Để giảm thiểu TNLĐ, doanh nghiệp cần có sự đãi ngộ xứng đáng cho những sáng kiến đưa ra các giải pháp, phương án giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn lao động. Đồng thời cần mạnh tay kỷ luật, thậm chí sa thải những người chủ quan, vi phạm an toàn lao động hoặc để xảy ra tai nạn cho người khác. Bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng; công khai kết luận kiểm tra và tai nạn nào nếu lỗi hoàn toàn của người sử dụng lao động thì cương quyết chuyển cơ quan điều tra để khởi tố. Chúng tôi cũng cương quyết yêu cầu doanh nghiệp phải hỗ trợ, bồi thường người bị nạn theo quy định kịp thời ngay sau khi xảy ra tai nạn chứ không đợi đến khi có kết luận điều tra”, ông Lâm nhấn mạnh.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đã có bước tiến lớn trong việc xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động từ năm 2015. Tuy nhiên, bà cho rằng, việc báo cáo liên quan đến số liệu các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của Việt Nam còn hạn chế. Theo đó, số liệu báo cáo về TNLĐ cần rõ ràng chính xác hơn để có điều chỉnh, phòng chống kịp thời trước mắt cũng như lâu dài. Theo bà Ingrid Christensen, để ngăn ngừa TNLĐ, cần nâng cao hơn chất lượng các cuộc thanh tra những cơ sở lao động, các vụ TNLĐ, cũng như chất lượng của đội ngũ thanh tra lao động. |