Ngày 10-11, lại có thêm một “đinh tặc” bị bắt quả tang khi đang rải đinh ở khu vực Suối Tiên (quận Thủ Đức, TPHCM). Chuyện “đinh tặc” lộng hành đã diễn ra từ nhiều năm qua, cần có giải pháp đồng bộ để chấm dứt tệ nạn này.
Khó xử lý hình sự
Có những đoạn đường chỉ 2-3km nhưng có đến hàng chục điểm vá ruột xe để đón lõng các “khách hàng bất đắc dĩ” là những nạn nhân của bọn rải đinh. Đinh rải trên đường là những miếng thép hình thoi dài 1,5-2cm, cả 4 góc đều sắc nhọn, 2 đầu được bẻ cong. Đã có không ít trường hợp người đi xe máy bị tai nạn nghiêm trọng khi cán phải những chiếc đinh tai ác này lúc đang lưu thông với tốc độ cao.
Với hành vi rải đinh làm hư xe người đi đường để “chặt chém” nạn nhân vá ruột xe, các cơ quan tố tụng chỉ có thể xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Đây là tội có cấu thành vật chất, tức có hậu quả thiệt hại xảy ra và hậu quả này được lượng hóa bằng tiền mới có thể xử lý hình sự được người vi phạm.
Cụ thể, khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 ghi rõ: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo điều luật trên, số tiền gây thiệt hại cho người khác (nhiều người cộng lại) không đến 2 triệu đồng, nếu muốn xử lý hình sự, phải thỏa yếu tố: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính, bị kết án tội này chưa được xóa án tích mới bị xử lý. Hậu quả nghiêm trọng cũng phải là hậu quả vật chất, tức phải có nạn nhân của việc rải đinh bị thương tích, chết…
Do vậy nhiều trường hợp muốn xử lý hình sự “đinh tặc” không dễ. Bởi khi đang rải đinh, yếu tố gây thiệt hại cho người khác chưa xảy ra, tức chưa thỏa yếu tố cấu thành tội phạm.
Cần giải pháp đồng bộ
Còn nhớ đã có lúc khi nạn rải đinh lộng hành dọc tuyến xa lộ Hà Nội, UBND TPHCM đã họp với các cơ quan chức năng liên quan để bàn giải pháp nhập một xe nam châm (loại chuyên dùng cho việc dọn an toàn đường băng sân bay) để hàng ngày chạy dọc xa lộ Hà Nội hút đinh. Thật ra đó chỉ là giải pháp đối phó, không căn cơ. Giải pháp xử lý nạn rải đinh đơn giản hơn nhiều: Cần củng cố phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương. Khi đã bắt được bọn rải đinh thì phải xác định đây là kẻ tội phạm với hành vi phá hoại tài sản công dân để xử lý pháp luật, chứ không thể chỉ đưa ra kiểm điểm trước dân.
Trong hơn 1 năm qua, tỉnh Bình Dương đã quyết liệt trừng trị đinh tặc. Các “hiệp sĩ” chống tội phạm ở địa phương bỏ nhiều công sức theo dõi bắt quả tang nhiều tên đang rải đinh trên đường. Các cơ quan tố tụng của thị xã Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát đã đưa gần chục “đinh tặc” ra xét xử và kết án từ 12 đến 24 tháng tù giam về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Đồng thời với việc xử lý pháp luật đối với đinh tặc, cần thêm một giải pháp đồng bộ: Chính quyền các phường - xã dọc theo các tuyến đường có nạn rải đinh cần tiến hành biện pháp sắp xếp lại các điểm vá ruột xe dọc đường.
Vân Khanh