Đừng để thầy cô bị tổn thương

Mới đây, dư luận ở TPHCM bàng hoàng trước thông tin có một nhóm học sinh ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10, thuê giang hồ đánh thầy giáo N.T.L bị thương, chỉ vì lý do thầy có thư mời phụ huynh của những em này lên làm việc về kết quả học tập sa sút.

Thật không thể tin được ngay ở quận nội thành lại xảy ra sự việc đau lòng, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức của học sinh như thế. Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, đọng sau nỗi đau này là sự tổn thương khó diễn tả thành lời của nhiều thầy cô đang gắn bó với nghề “trồng người”.

Trước đó, ngày 14-11, tại Trường THPT Hòa Đa (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) cũng xảy ra một vụ việc đau lòng. Một thanh niên giả danh học sinh vào trường dùng kéo đâm liên tiếp thầy giáo Trương Minh Phát trước đông đảo học trò. Khi thầy Phát được đưa đi cấp cứu, tên côn đồ còn ngông cuồng chặn đường để đâm tiếp nạn nhân. Động cơ khiến thanh niên này đánh thầy là do thầy đã “nạt nộ” bạn của y.

Hơn 1 năm qua, dư luận vẫn chưa quên câu chuyện mất nhân tính của 3 nam học sinh Trường PTTH Chu Văn An (Krôngpa Gia Lai), sau khi cúp học đi nhậu về đã tìm thầy giáo dạy Anh văn để hăm dọa, hỏi tội thầy vì “dám ghi vào sổ đầu bài 2 bạn của họ cúp học”.

Nhiều thầy cô giáo tâm sự rằng chưa bao giờ đạo đức học sinh lại có “vấn đề” như bây giờ. Thời chiến tranh, nghèo khó, tình thầy trò thật keo sơn, nặng nghĩa nặng tình. Còn bây giờ, người ta đổ lỗi cho cơ chế thị trường và sự tác động của vật chất, sự thay đổi quan niệm sống của giới trẻ… Nhưng nói gì thì nói, cái gốc “tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên” vẫn vẹn nguyên giá trị và không thể để nó mai một! Thực tế cho thấy, học sinh ở những gia đình có nề nếp, được giáo dục đàng hoàng thì ít khi vô lễ với thầy cô. Ngược lại, những trò hư hỏng hoặc được liệt vào số cá biệt - thường rơi vào những gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ.

Trước hiện tượng có một bộ phận học sinh, phụ huynh xem nhẹ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, có biểu hiện vô lễ với thầy cô giáo, xâm hại môi trường giáo dục, chúng ta phải làm gì? Ai sẽ bảo vệ những trường hợp giáo viên bị hành hung ngay tại lớp học hoặc trên đường đi dạy về? Đó là những câu hỏi day dứt lương tâm, cần phải được ngành giáo dục, các cơ quan hữu quan mổ xẻ đến nơi đến chốn.

Nếu chúng ta nương tay, xử lý nhẹ những hành vi vi phạm pháp luật, xem thường thầy cô giáo thì cái ác, cái xấu sẽ tiếp tục tấn công môi trường giáo dục, xâm hại thầy cô khi họ tác nghiệp đúng chức trách của mình. Xã hội ta là một xã hội có truyền thống hiếu học và luôn coi vị trí người thầy - nghề giáo là cao cả, thiêng liêng. Vì thế, việc tôn vinh, nâng cao hình ảnh người thầy, người cô không chỉ dừng ở ngày tri ân các nhà giáo nhân ngày 20-11 hàng năm mà phải làm thường xuyên, có chiều sâu.

Xin đừng để xảy ra những câu chuyện buồn cho thầy cô - những người đã chọn nghề là nghiệp là lẽ sống, hết lòng vì thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.

KHÁNH HÀ 

Tin cùng chuyên mục