Các hoạt động tín ngưỡng đầu năm mới ở nước ta khá phong phú, trong đó có nhiều lễ hội, hành hương và các hoạt động tâm linh khác. Phần nhiều các hoạt động này là sự nối tiếp các hoạt động truyền thống của đồng bào các địa phương, được duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ, nên ít nhiều phản ánh bản sắc văn hóa của từng vùng miền, từng dân tộc.
Có không ít lễ hội, hành hương đã trở thành một đặc sản văn hóa, một sản phẩm du lịch đặc sắc vừa thể hiện tính khám phá vừa mang tính tâm linh lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thể hiện rõ tính tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước cũng như trong việc xây dựng từng làng bản, xóm ấp… Ngoài ra, một số hoạt động cũng thể hiện tinh thần hướng về nguồn cội, tinh thần cộng đồng cao, như qua việc thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, hay việc cầu mưa thuận gió hòa, mua may bán đắt…
Tuy nhiên, không ít lễ hội, hoạt động tín ngưỡng đã dần mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có, hoặc bị biến tướng, hình thức thể hiện không còn phù hợp nếp sống mới, hoặc phát sinh những vấn đề không hay. Chẳng hạn, một số lễ hội dùng vật nuôi hiến tế bằng nghi thức dã man tuy là kế thừa hoạt động từ nhiều đời trước nhưng giờ đây không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại. Một số lễ hội bị “tiền tệ hóa”, “tầm thường hóa” khiến nơi tôn nghiêm trở thành nơi mua bán, xin xỏ một cách dung tục (nhất là việc rải tiền ở đền, chùa, miếu…).
Các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương cần quan tâm sắp xếp, quản lý chặt chẽ các lễ hội. Những hoạt động nào thực sự có ý nghĩa (về mặt văn hóa, kinh tế, tâm linh…) thì nên duy trì, tạo điều kiện để phát triển và định hướng cách thức tồn tại phù hợp. Những hoạt động nào ít ý nghĩa, ít tính giáo dục, gây lãng phí, nặng về mê tín… thì tìm những cách thức hạn chế hợp lý. Ở mỗi hoạt động cần nêu rõ ý nghĩa truyền thống, mục đích để người dân chọn lựa tham gia. Chẳng hạn, một lễ hội, một hoạt động tâm linh có nguồn gốc nước ngoài thì nên nói rõ để người dân biết mà quyết định có tham gia hay không. Phải tránh “xưa bày nay làm” một cách mù quáng, vô tội vạ, khiến hoạt động lễ hội chỉ là sự bắt chước máy móc nhưng không còn phù hợp, khiến hoạt động đó như là một hủ tục hoặc một tập tục lạc hậu. Cũng phải tránh tình trạng “phú quý sinh lễ nghĩa” một cách xô bồ, cốt để khoe mẽ, để trục lợi, khiến hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thực chất là hoạt động thương mại, mua bán tầm thường.
Với hàng ngàn lễ hội diễn ra trong năm, nhất là trong dịp đầu năm có nhiều hoạt động lễ hội sôi động, nếu không quản lý tốt thì có thể rơi vào tình trạng lợi bất cập hại, bởi một số hoạt động có tác động xấu đến nhận thức, tình cảm của người dân, hoặc gây ra những tốn kém, thiệt hại không nhỏ cho xã hội. Do đó, mỗi người dân có lòng thành với tổ tiên, với các đấng bề trên cũng phải tỉnh táo. Nếu muốn tham gia các hoạt động tín ngưỡng cũng phải chọn lựa nơi đến, cách thức hành lễ phù hợp. Nếu không, từ tín ngưỡng dễ sa vào mê tín, không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn cho xã hội.
VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)