Chưa đến tết mà cô con gái của tôi đã hào hứng lên kế hoạch và ước tính số tiền lì xì nhận được trong những ngày đầu xuân Tân Mão sẽ khá hơn năm trước khiến tôi giật mình, âu lo. Những năm trước con gái tôi còn nhỏ nên “ủy quyền” mẹ giữ số tiền được gọi là “lộc xuân” và chỉ sử dụng nó khi cha mẹ đồng ý. Còn năm nay, con tôi đã lớn và đã có nhu cầu xài tiền nên nó “mong đợi” vào khoản tiền lì xì sẽ được từ người thân, bạn bè của cha mẹ mừng tuổi là điều dễ hiểu.
Tương tự, người bạn thân của tôi làm nghề giáo cũng tỏ ra lo lắng khi kể lại câu chuyện cậu con trai 13 tuổi bộc phát nói một câu xanh rờn: “Con chỉ mong tết này nhà mình có nhiều khách đến chúc tết để con nhận được nhiều tiền lì xì. Năm ngoái nhà mình đi du lịch, chơi tết ở xa nên con ít nhận được tiền lì xì…”. Từ những câu chuyện của con trẻ thời @ và suy nghĩ thực dụng hơn cha mẹ thời xưa là tết đến phải được nhận tiền lì xì thay vì đón nhận những lời chúc tết có ý nghĩa khiến chúng ta - người lớn phải suy ngẫm lại. Đó là làm thế nào để giữ gìn nét đẹp truyền thống mừng tuổi đầu xuân kèm phong tục lì xì cho trẻ em một cách tốt đẹp nhất, văn hóa nhất.
Theo tôi, chỉ nên mừng tuổi - lì xì cho trẻ em những đồng tiền mới với mệnh giá nhỏ - tượng trưng cho sự may mắn, lộc tài đầu năm, thay vì lạm dụng phong tục lì xì để tặng trẻ số tiền lớn - “nặng đô”. Đôi khi chỉ vì nhận được tờ tiền lì xì của người thân có mệnh giá nhỏ, nhiều em tỏ ra xem thường người mừng tuổi ít và “ngưỡng mộ” người mừng mình bao lì xì dày hơn. Nếu chuyện lì xì mang giá trị nhân văn - thông qua việc mừng tuổi để gián tiếp giúp con cái của đồng nghiệp, bạn bè có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện mua sắm thêm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… thì rất đáng khuyến khích. Ngược lại, lạm dụng chuyện lì xì đầu năm cho con trẻ để từ đó gởi gắm ý đồ, mục đích không tốt đẹp đối với cha mẹ của chúng thì thật đáng lên án.
Có không ít câu chuyện râm ran về thói “nịnh sếp” của nhân viên khi đến chúc tết và lì xì cho con của “sếp” phong bì đỏ có mệnh giá tiền mừng lên đến bạc triệu. Vì không hiểu tiền lì xì là gì nên nhiều đứa trẻ ngồi trong lòng ba mẹ làm “sếp” vô tư xé toạc bao bì đỏ khiến những tờ 500.000 đồng bay tứ tung. Điều này khiến chủ nhà và những người đi cùng đều ngượng ngùng, đỏ mặt vì khó nói, khó trách đứa trẻ vô tình để mọi người thấy rõ tiền lì xì cũng mang “hàm ý riêng tư, chuyển tải nhiều điều muốn nói”… Như thế, giữ gìn phong tục lì xì và tôn tạo nét đẹp văn hóa của truyền thống này đòi hỏi người lớn phải gương mẫu và biết cách mừng tuổi đúng với ý nghĩa của nó.
Tùy theo lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên dạy con cái cách nhận tiền lì xì và nói lời cám ơn cho phù hợp, mang thông điệp trân trọng người lớn, nhất là các bậc cao niên để các em biết quý trọng phong tục này. Song song đó, nên dạy trẻ quản lý, sử dụng số tiền này một cách tiết kiệm và có ý nghĩa nhân văn.
nguyen_anhhien…@ yahoo.com