Đừng để việc “ăn mừng” tái diễn

Sau khi Bộ GD-ĐT thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, TPHCM đã đồng loạt “ăn mừng” xé giấy, đề cương môn Lịch sử rải trắng sân trường. Đoạn clip được cho là được quay tại THPT Nguyễn Hiền, TPHCM vào chiều thứ sáu ngày 29-3 và được tung lên mạng vào ngày 7-4 đã khiến nhiều người phải suy nghĩ về cơ chế dạy và học môn Lịch sử hiện nay.

Dù phía ban giám hiệu cho rằng trong số giấy đó không chỉ có đề cương môn sử mà còn có những giấy tờ khác… nhưng cũng không thể bác bỏ được rằng môn Lịch sử đang là gánh nặng cả người dạy lẫn người học.

Trong khi các nhà quản lý giáo dục đánh giá, Lịch sử là môn học quan trọng, bởi dân ta phải biết sử ta, qua đó, các thế hệ sau hiểu được truyền thống giữ nước của dân tộc. Thực tế hiện nay, môn Lịch sử lại bị xem là môn học nhàm chán và “khó nuốt” đối với người học và người dạy. Những bài học lịch sử trong sách giáo khoa khá nặng nề, quá nhiều sự kiện, giáo viên không đủ thời gian để truyền tải hết cho học sinh hiểu. Từ đó, đa phần cách học sử trong nhà trường hiện nay là đọc chép, dễ tạo cảm giác nhàm chán cho cả thầy lẫn trò.

Đề thi cũng mang tính học thuộc, không phải thi môn sử không chỉ học sinh “mừng” mà phụ huynh cũng mừng, nhà trường cũng bớt lo âu. Để học sinh yêu thích môn Lịch sử cần phải có nhiều cải cách từ việc biên soạn lại sách giáo khoa cho tới thay đổi phương pháp dạy - học. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục dạy học theo phương pháp như hiện nay thì chuyện “ăn mừng” vì không phải thi môn Lịch sử sẽ còn tái diễn. 

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục