Đừng đi ẩu qua đường sắt

Tại cuộc họp giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với Sở Giao thông Vận tải TPHCM về việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt mới đây, nhiều đại biểu tham dự lo ngại, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế (thiếu quan sát, chạy ẩu…).

Tại cuộc họp giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với Sở Giao thông Vận tải TPHCM về việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt mới đây, nhiều đại biểu tham dự lo ngại, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế (thiếu quan sát, chạy ẩu…).

Nhìn nhận vào thực tế, cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt nước ta khá lạc hậu, nhiều đường ngang dân sinh giao cắt tuyến đường sắt độc đạo Bắc - Nam khiến nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt tăng cao. Thế nhưng thực tế chứng minh, đã có nhiều cái chết tức tưởi liên quan đến sự chủ quan, thiếu ý thức của người dân tham gia giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản và tổn thất cho ngành đường sắt.

Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 163 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 145 người chết, 43 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 60 tỷ đồng. Đáng lưu ý, những vụ tai nạn kinh hoàng trên xảy ra phần lớn do nguyên nhân khách quan ngoài ngành đường sắt. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến thời điểm này cả nước có khoảng 5.000 đường ngang dân sinh do người dân tự mở. Do không có tín hiệu cảnh báo, không có người canh gác… nên người dân, các phương tiện tham gia lưu thông tự do qua lại; bất chấp nguy hiểm chực chờ. Thậm chí nhiều nơi người dân “giỡn mặt tử thần” sẵn sàng phơi quần áo, kê bàn ghế, dạo chơi, hái rau… trên đường ray tàu hỏa.

Theo thống kê của ngành đường sắt, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt hầu như đều có người chết, còn thiệt hại về tài sản đối với mỗi vụ va chạm không hề nhỏ. Vì tuyến đường sắt nước ta là tuyến đường độc đạo, không có tuyến thay thế, nên khi tai nạn xảy ra, người dân đi trên tàu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, lộ trình đi… Trong khi ngành đường sắt phải loay hoay xử lý sự cố bất khả kháng, thì những người dân thiếu ý thức, vô tình gây tai nạn liên hoàn thường chịu mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 46 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người đi bộ có hành vi vượt chắn đường ngang khi đèn đỏ bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang sẽ bị phạt tiền 50.000 - 60.000 đồng; phạt tiền 200.000 - 400.000 đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy vượt rào chắn đường ngang…

Vẫn biết, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” và bản thân lãnh đạo ngành đường sắt cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, sai sót của ngành; chủ động khắc phục bằng những biện pháp cụ thể, tích cực. Chẳng hạn như thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo hạ tầng tại các đường ngang dân sinh; đầu tư đồng bộ hệ thống gác chắn tại một số vị trí đường ngang… Thế nhưng, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, kéo giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường sắt, lại rất cần sự ủng hộ, chung tay đồng lòng của toàn bộ người dân; sự tuyên truyền, vào cuộc của các cơ quan chuyên trách (công an, cán bộ địa phương, nhà trường…). Song song đó, cũng rất cần sự mạnh tay của pháp luật, trong việc xử lý nghiêm sai phạm đối với những người dân thiếu ý thức, cố tình gây nguy hiểm cho an toàn giao thông đường sắt, đe dọa tính mạng, tài sản của cộng đồng.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục