Đừng đợi “nước cạn”

Hai án tử hình trong vụ án tham nhũng Vinalines là một kết quả tất yếu. Với mức án nghiêm minh, dư luận rất đồng tình và đặt nhiều kỳ vọng về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều bạn đọc cũng đầy ưu tư, trăn trở đặt câu hỏi vì sao các quy định về quản lý kinh tế nhà nước chặt chẽ, qua nhiều cấp, nhiều ngành, mà các bị cáo trong vụ án này có thể kiếm chác được hàng chục tỷ đồng dễ dàng đến vậy?

Hai án tử hình trong vụ án tham nhũng Vinalines là một kết quả tất yếu. Với mức án nghiêm minh, dư luận rất đồng tình và đặt nhiều kỳ vọng về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều bạn đọc cũng đầy ưu tư, trăn trở đặt câu hỏi vì sao các quy định về quản lý kinh tế nhà nước chặt chẽ, qua nhiều cấp, nhiều ngành, mà các bị cáo trong vụ án này có thể kiếm chác được hàng chục tỷ đồng dễ dàng đến vậy?

Ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965 bị hư, được bán với giá 2,3 triệu USD nhưng Vinalines lại mua qua trung gian với giá lên đến gấp 4 lần, tức 9 triệu USD. “Từ khi mua ụ nổi 83M đến nay đã 5 năm, không sinh lợi đồng nào, mà tốn trên 500 tỷ đồng. Nếu quản lý thế này, đất nước sẽ đi về đâu?”, câu hỏi của vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thốt lên tại phiên tòa khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Nếu các ngành chức năng làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình thì ụ nổi 83M không thể đưa về Việt Nam. Đúng như nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX): Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh tại Vinalines, được Chính phủ giao cập nhật dự án vào quy hoạch phát triển ngành, trình Thủ tướng quyết định, thế nhưng một thời gian dài, bộ này không cập nhật, không kiểm tra, giám sát, để vi phạm xảy ra. Tổng cục Hải quan không thực hiện việc kiểm tra, giám sát để cấp dưới thực hiện thủ tục thông quan ụ tàu 83M trái quy định pháp luật. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp giám sát sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines nhưng cũng không làm tốt chức năng của mình dẫn đến việc Dương Chí Dũng liên tục quản lý kinh tế thua lỗ (năm 2009 lỗ 400 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 1.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 2.600 tỷ đồng), tham ô, gây thất thoát tiền của nhà nước nhưng trước khi bị bắt còn được… thăng chức lên Cục trưởng Cục Hàng hải. Do vậy, tòa kiến nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của các ngành liên quan, nếu có dấu hiệu hình sự thì xử lý. Đó là việc cần thiết.

Rõ ràng, những sai phạm xảy ra là do đồng tiền và lòng tham. Cấp dưới biết cấp trên sai phạm cũng hợp tác chỉ đạo thuộc cấp chi tiền. Hải quan phát hiện ụ nổi “phế liệu” sản xuất từ năm 1965 nhưng vẫn cho qua cửa. Hơn ai hết, cán bộ đăng kiểm biết rõ nhưng vẫn lập biên bản sai sự thật giúp việc mua bán trót lọt. Những sai phạm này không hề do ngây ngô, thiếu năng lực, mà xuất phát từ lòng tham gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước. Để “ăn” được một đồng, các bị cáo sẵn sàng gây thiệt hại cho nhà nước gấp mười mấy lần. Cụ thể, trong vụ án Vinalines, các bị cáo tham ô được 28 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước đến 367 tỷ đồng - gấp gần 14 lần.

Vi phạm của các bị cáo trong vụ án tham nhũng Vinalines đã rõ, mức án cũng nghiêm minh, nhưng đã đến lúc các cơ quan nhà nước cũng cần phải nhìn lại mình. Nếu các ngành chức năng làm tốt vai trò kiểm tra giám sát của mình, ban hành các quy định pháp lý rõ ràng thì những thiệt hại này sẽ được phát hiện kịp thời, không để lại hậu quả nặng nề đến thế. Khi quy định pháp lý rõ ràng, đầy đủ, công tác giám sát chặt chẽ thì cho dù các bị cáo có lòng tham đến mấy, muốn cố ý làm trái, cũng khó lòng làm được. Do vậy, phải đặc biệt quan tâm việc thực hiện trách nhiệm giám sát trong công tác quản lý nhà nước để “lọc” các thứ rác rưởi từ đầu, đừng chờ đến khi nước cạn, rác rưởi mới lòi lên.

HÀN NI

>> Vụ án tham nhũng ở Vinalines: Tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục