
Giáo dục công dân là một môn học nằm trong hệ thống giáo dục ở nhà trường, nó có nhiệm vụ giáo dục trực tiếp cho các em về đạo đức, lối sống và nhân cách. Thế nhưng từ lâu nó được xem là môn phụ nên học sinh không tha thiết học môn này, giáo viên cũng không mấy mặn mà khi giảng dạy.
Khi được hỏi chất lượng môn học giáo dục công dân, em gái tôi đang học ở trường trung học Nguyễn Huệ, Vũng Tàu trả lời bâng quơ: “Em chẳng thích học môn giáo dục công dân vì môn ấy chẳng có gì để học”, còn cô bạn nó thì bảo “môn giáo dục công dân là môn phụ lại không phải thi nên bọn em chỉ học đối phó. Vở ghi giáo dục công dân bọn em còn chưa sờ đến nữa là. Lỡ cô giáo gọi lên bảng thì cũng bó tay luôn”.
Đối với giáo viên dạy môn giáo dục công dân cũng vậy. Có thầy, cô cho rằng: môn giáo dục công dân rất khô cứng, từ lâu nó được xem như là môn phụ nên việc luyện giáo án trước khi giảng bài cũng qua loa đại khái, giảng bài chủ yếu là lý thuyết, giảng cho xong trách nhiệm chứ chất lượng không cao.
Cô giáo Thu An ở Trường THPT Hàn Thuyên phường Rạch Dừa thành phố Vũng Tàu tâm sự: “Tôi dạy môn giáo dục công dân đã gần chục năm. Nhìn chung học sinh có tâm lý ngại học môn này. Nhiều khi giáo viên rất tâm huyết nhưng học sinh không muốn học nên chất lượng không cao được”.
Ngay từ tiêu đề môn học giáo dục công dân cũng toát lên nội dung chủ yếu của môn học này là giáo dục đạo đức, phẩm chất, nhân cách, thẩm mỹ, pháp luật, giao tiếp… cho học sinh, nhưng nội dung giáo dục lại không đúng với tên gọi.
Trong chương trình giáo dục công dân ở lớp 10 có 35 tiết, thì có 16 tiết đề cập đến việc hình thành thế giới quan phương pháp luận khoa học cho học sinh. Chương trình giáo dục công dân lớp 11 với 35 tiết được chia làm hai phần: Phần 1: Công dân với kinh tế; phần 2: Công dân với các vấn đề xã hội. Ở chương trình giáo dục công dân lớp 12, dành hẳn 27/35 tiết học cho giáo dục pháp luật. Như vậy toàn bộ chương trình giáo dục công dân lớp 10, 11,12 có 105 tiết, nhưng chỉ có 11 tiết là dạy những những vấn đề đạo đức, lối sống nhân cách.
Với số tiết học ít ỏi ấy, học sinh chưa đủ thời gian để cảm nhận đạo đức nhân cách là gì, chứ đừng nói đến biến những kiến thức lý luận ấy thành hành động thực tiễn. Bởi vậy mới có một thực tế là có hơn nửa số học sinh điểm dưới trung bình và trung bình khi kiểm tra môn giáo dục công dân.
Có thể nói môn giáo dục công dân là môn không kém phần quan trọng trong chương trình giáo dục, thậm chí nó còn là môn mở đầu đóng vai trò “tiên học lễ”. Song thực tế đáng buồn là không ít giáo viên và học sinh còn xem nhẹ môn này, nội dung của nó chưa đúng với tên gọi. Giáo dục công dân là môn học nền móng cho sự hình thành đạo đức trong sáng và phát triển nhân cách, là môn uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, là môn điều chỉnh hành vi đúng hướng tích cực. Xin đừng coi nhẹ môn giáo dục công dân.
MAI THẮNG (1086 đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu)
Giảm xe gắn máy là cần thiết

Những năm gần đây, TPHCM “tăng tốc” mạnh mẽ về cả dân số lẫn lượng xe cộ các loại khiến những con đường nhỏ thơ mộng năm xưa nay phải oằn mình gánh số lượng người và xe lưu thông “quá tải”. Vì thế, nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường khác trở nên chật hẹp, khó đi… Thế nhưng, vấn đề “quá tải” tại TP vẫn chưa dừng lại vì hiện nay lượng người và xe vẫn tiếp tục tăng lên vùn vụt. Mỗi ngày có thêm hàng trăm dân nhập cư và hàng chục ngàn xe gắn máy, xe ô tô các loại… đăng ký “nhập khẩu” vào TP, khiến cho “bài toán kẹt xe” không có lời giải.
Mới đây, chính quyền TPHCM có chủ trương hạn chế xe gắn máy lưu thông trên đường phố để giảm kẹt xe. Là nạn nhân thường xuyên của tình trạng kẹt xe, tôi cũng như nhiều người dân đang sử dụng xe gắn máy đều đồng tình với chủ trương này. Đã đến lúc TP phải giải quyết triệt để, chấm dứt cảnh người dân mỗi sáng đi làm vội vã và mỗi chiều trở về mệt mỏi lại phải chịu thêm cảnh stress vì nạn kẹt xe diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở mọi lúc mọi nơi…
Theo tôi, muốn giảm kẹt xe, biện pháp đầu tiên của TP là phải cấm nhập khẩu xe gắn máy (vì tại các điểm bán xe gắn máy vẫn còn hàng trăm ngàn chiếc chưa tiêu thụ hết!), đồng thời vận động người dân đi xe buýt, xe đưa rước, xe đạp… Tuy nhiên, TP càng giảm xe gắn máy thì càng phải tăng thêm các loại xe bốn bánh nhỏ gọn như xe tuk-tuk, xe lam… để chuyên chở khách thuận lợi, đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân.
PHƯƠNG LAN
(Huyện Hóc Môn, TPHCM)