Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 2016 trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay không đạt là do sự sụt giảm đáng kể của ngành công nghiệp khai khoáng, khiến cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 3 quý vừa qua chỉ tăng 7,4% so với 9,9% cùng kỳ năm ngoái. Nhận định này thể hiện hết sức rõ ràng qua trường hợp của Vinacomin, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành khai khoáng của cả nước hiện nay. Đầu tháng 10 vừa qua, đáp lại lời “kêu cứu” của doanh nghiệp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phải chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ về thuế hoặc đưa ra cơ chế xuất khẩu than mới trong những năm sắp tới; đồng thời khuyến khích sử dụng than trong nước để giúp ngành than vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cần nhớ rằng, chỉ mới cách đây 2 năm, Vinacomin vẫn là một doanh nghiệp ăn nên làm ra: năm 2013 đạt doanh thu hơn 97.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2014 có lãi tới gần 2.600 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận của Vinacomin giảm xuống chưa bằng 1/5 của năm 2014, chỉ đạt mức 473 tỷ đồng. Năm 2016 tuy chưa qua, nhưng đã thấy rõ tình hình vẫn chưa tốt lên. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của tập đoàn đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinacomin đã phải tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 4.000 lao động để tiết kiệm chi phí. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của Vinacomin, theo báo cáo của chính doanh nghiệp này, là do phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp. Họa vô đơn chí, giá khoáng sản alumin, hydrat trên thị trường thế giới cũng đang đà giảm sâu trong khi thuế và phí tăng…
Tình hình cũng không lạc quan hơn với những doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp này. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát xin trả lại 2 mỏ khai thác quặng sắt Tùng Bá và Cao Vinh ở Hà Giang và quyết định nhập quặng về sản xuất thay vì tự khai thác trong nước. Còn Công ty cổ phần sắt Thạch Khê, tuy là chủ mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, nhưng suốt một năm qua vẫn chưa kêu gọi được thêm vốn đầu tư để khởi động dự án khai thác…
Không chỉ các chuyên gia thống kê mà nhiều nhà quan sát trong nước và quốc tế cùng nhận định rằng, nền kinh tế đã không còn có thể dựa vào ngành khai thác khoáng sản như một điểm tựa tăng trưởng. Mặt khác, trữ lượng khoáng sản của Việt Nam có thể khai thác được cũng không nhiều như đã tưởng.
Nhìn thẳng vào sự thật này, mới đây Chính phủ đã quyết định tăng thuế và phí đối với lĩnh vực này để hạn chế khai thác. Từ ngày 1-7-2016, thuế tài nguyên đối với than lộ thiên đã tăng từ 9% lên 12%, than hầm lò tăng từ 7% lên 10%. Quyết liệt giữ “của để dành” cho các thế hệ mai sau là một giải pháp dũng cảm của Chính phủ để nhắc nhở toàn xã hội rằng, đã qua rồi thời kỳ ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên. Rừng vàng, biển bạc rồi cũng sẽ cạn, chỉ có tri thức và sự cần cù, sáng tạo của con người mới là vô hạn.
ANH THƯ