Kỳ này ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm (GTVL) TPHCM sẽ tiếp tục giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về thủ tục liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
° Tôi vừa mới xin nghỉ việc, nhưng tôi không kịp đăng ký để được nhận BHTN theo quy định (trong vòng 7 ngày sau khi mất việc). Như vậy tổng thời gian đóng BHTN của tôi có được cộng dồn tiếp tục khi tôi có việc làm mới trong thời gian sắp tới hay không hay là toàn bộ 12 tháng đóng BHTN ở công ty cũ sẽ bị mất. Nếu được cộng dồn, thì thời gian tối thiểu phải có việc làm mới là bao lâu. Vì tôi bận việc gia đình, chưa thể tiếp tục đi làm lại ngay được trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới? (phuongvi…@gmail.com)
Trả lời: Theo Điều 21, Điều 23, Điều 24 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để xét hưởng BHTN của bạn là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện tại, không có quy định giới hạn về mặt thời gian khi xét tính cộng dồn thời gian đóng BHTN. Trong trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và bị chấm dứt hưởng BHTN theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH thì thời gian đóng BHTN cho thời gian làm việc tiếp theo được tính lại từ đầu. Điều 87 Luật BHXH quy định người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự; hưởng lương hưu; sau hai lần từ chối nhận việc làm do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu mà không có lý do chính đáng; không thông báo với Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong ba tháng liên tục; ra nước ngoài để định cư; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo; chết.
° Tôi muốn chuyển nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp về quê tôi đang sinh sống xin hỏi có được không, thủ tục thế nào (hoangnam79…@gmail.com)
- Bạn có thể chuyển hưởng BHTN về quê bạn sinh sống. Trường hợp NLĐ muốn chuyển nơi hưởng BHTN đến tỉnh, TP khác sau khi đã đăng ký thất nghiệp nhưng chưa nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì làm đề nghị chuyển hưởng BHTN (mẫu số 11) gửi về trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) nơi đăng ký thất nghiệp. Trung tâm GTVL có trách nhiệm giới thiệu chuyển hưởng BHTN theo đề nghị của NLĐ kèm theo mẫu đăng ký thất nghiệp của NLĐ. Trung tâm GTVL nơi tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện các thủ tục theo quy định.
Trường hợp NLĐ muốn chuyển nơi hưởng BHTN sau khi đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải làm đề nghị chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 13 gửi trung tâm GTVL nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để được giải quyết. Trung tâm GTVL cấp giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ kèm theo bản đăng ký thất nghiệp, quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị chuyển nơi hưởng và các giấy tờ liên quan của NLĐ và thông báo bằng văn bản cho BHXH cấp tỉnh biết. NLĐ nộp hồ sơ chuyển hưởng BHTN và thẻ BHYT cho Trung tâm GTVL nơi chuyển đến. Trung tâm GTVL nơi tiếp nhận chuyển hưởng BHTN có trách nhiệm tiếp nhận và có văn bản đề nghị BHXH cấp tỉnh tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp, kèm theo bản sao quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ để tiếp tục thực hiện các chế độ theo quy định.
° Cho tôi hỏi điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần?
- NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp một lần nếu thuộc một trong hai trường hợp sau: Đã có việc làm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự. NLĐ đã có việc làm được xác định bằng hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên; có quyết định tuyển dụng đối với trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp. Để được hưởng trợ cấp một lần, NLĐ cần có đủ các thủ tục: Có đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần (mẫu số 6); giấy tờ xác nhận đã có việc làm hoặc quyết định thi hành nghĩa vụ quân sự do Bộ Chỉ huy Quân sự quận, huyện cấp.
Hiếu Nghĩa thực hiện