Đường 10 - sợi chỉ đỏ

Ngày Đường 10 thông tuyến đã trở thành sự kiện lớn đối với đồng bào Vân Kiều sống dọc tuyến đường, bởi họ được thông thương với bên ngoài sau 36 năm thống nhất đất nước. Đường 10 nối xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), với xã Ngân Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nối Đông với Tây Trường Sơn và được người Vân Kiều ví von như sợi chỉ đỏ...
Đường 10 - sợi chỉ đỏ

Ngày Đường 10 thông tuyến đã trở thành sự kiện lớn đối với đồng bào Vân Kiều sống dọc tuyến đường, bởi họ được thông thương với bên ngoài sau 36 năm thống nhất đất nước. Đường 10 nối xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), với xã Ngân Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nối Đông với Tây Trường Sơn và được người Vân Kiều ví von như sợi chỉ đỏ...

Con đường thủy chung

Ông Hồ Hiền, nay đã được hơn 70 mùa rẫy, sống ở dốc Lùng Linh, xã Ngân Thủy tâm sự, ông đã trải qua hai sự kiện quan trọng trong đời với con Đường 10. Những tháng năm kháng chiến, bà con Vân Kiều không có con đường, chẳng biết đi đâu để tìm cán bộ cùng đánh giặc. Lang bạt giữa rừng già, bị bom đạn vần vũ. Cuối năm 1967, bộ đội đi khảo sát mở đường chuyển hàng vào Nam, gặp những nhóm người Vân Kiều giữa rừng sâu núi thẳm, cái muối, hạt gạo được trao cho bà con. Người Vân Kiều dẫn đường bộ đội soi tuyến.

Từ lâu, người Vân Kiều ở Ngân Thủy biết có Đảng, có Bác Hồ, Việt Minh đánh được giặc Pháp. Cái bụng người Vân Kiều son sắt, lấy họ Bác làm họ của đồng bào. Chuyện giúp bộ đội là chuyện hiển nhiên. Đưa cán bộ đi khảo sát toàn tuyến nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, cái bụng Hồ Hiền vui, mọi người vui. Khảo sát xong tuyến, đường được mở, dân bản được dặn dò phải tuyệt đối bí mật, không để kẻ địch nhảy dù biết ta mở đường.

Bà con cùng lấy lá rừng ngụy trang, kề vai sát cánh với bộ đội bảo vệ con đường. Con đường quân sự hoàn thành, cán bộ lấy trong ống nứa ra một ảnh Bác, trang trọng treo giữa nhà sàn. Mọi người cùng có cảm giác như Bác đang có mặt ở Đường 10, biểu dương dân bản cùng bộ đội hoàn thành con đường cho ước mơ giải phóng dân tộc. Cả bản hoan hô, xúc động, mắt hoe ướt. Được giao giữ gìn ảnh Bác, Hồ Hiền chuốt một ống nứa thật đẹp cất giữ ảnh Bác vào đó, mỗi năm có lễ trọng, lại đưa ảnh ra để mọi người đón Bác.

Đường 10 - sợi chỉ đỏ ảnh 1

Đường 10 như sợi chỉ đỏ giúp người Vân Kiều vươn lên

Cùng chiến đấu bảo vệ con đường, người Ngân Thủy được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vì đã góp phần công sức không nhỏ trong việc giúp bộ đội đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719, chiến dịch Nam Lào và nhiều chiến dịch khác của địch.

Đất nước thống nhất, Đường 10 - một phần đường mòn Hồ Chí Minh, xuống cấp. Nhiều đoạn chỉ còn người Vân Kiều đi, cây cối phủ tràn mặt đường. Năm 2007, con đường được khởi công, bà con Vân Kiều hân hoan, sợi chỉ đỏ vẫn chưa hề phai nhạt trong trái tim họ. Trái tim người Vân Kiều thủy chung, con đường cũng thủy chung, tấm lòng cách mạng cũng thủy chung.

Ngày mai đang bắt đầu

Hơn 40 năm trước, Đường 10 được mở để đưa cách mạng vào với người Vân Kiều. 36 năm sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước đem đến cho bà con một con đường hiện đại, giúp vùng đất này thông thương với nhiều vùng miền khác, đem lại một tương lai xán lạn cho bà con…

Trên Đường 10 đang hoàn thành chiếc cầu cuối cùng ở ngầm 31, với giá trị cả cầu và đường ngót nghét gần 100 tỷ đồng. Ông Hồ Hiền rất tự hào khi mình vẫn còn mạnh khỏe để tận hưởng niềm vui quan trọng thứ hai trong đời với Đường 10.

Đi trên Đường 10, chúng tôi thường nghe văng vẳng tiếng hát của các bạn trẻ: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Họ hát say sưa dọc con đường, vì bài hát hay mà cũng vì con đường đang tạo ra tương lai cho người Vân Kiều ở lưng chừng núi rừng Trường Sơn. Hồ Loan, một người Vân Kiều ở Lâm Thủy, hồ hởi: “Con đường đi êm chân, nhưng đi bộ xuống xuôi thì xa nên tôi đã mua cái xe đạp về tập để đi làm việc cho thuận tiện. Có đường ni chắc chắn dân mình đổi đời, thoát được nghèo”.

Người Vân Kiều vẫn nghèo nhưng có con đường, niềm mơ ước vượt nghèo đang nhen nhóm. Ông Hồ Văn Tời, ở bản Cây Sung (Ngân Thủy), chia sẻ kế hoạch làm ăn: “Có con đường, người Vân Kiều nào cũng nghĩ cách làm ăn với người miền xuôi. Riêng mình đang tính vay tiền trồng cao su, chiến đấu với “thằng” nghèo, đuổi nó ra khỏi nhà”.

Ngân Thủy hiện đang sở hữu 65ha lúa nước, 50ha đậu phộng và bắp, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Hồ Xuân Long khẳng định: “Xã sẽ khấm khá từ đất rừng với 16.000ha đồi núi. Số diện tích đó chắc chắn sẽ giúp dân bản trồng cây cao su làm giàu. Binh đoàn 15 đang khai khẩn giúp dân bản để đưa cây cao su vào cho bà con phát triển dọc hai bên Đường 10”.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục