Để tiếp nhận thông tin và góp ý của người dân, nhiều cơ quan, sở, ban, ngành ở TPHCM lập đường dây nóng là số điện thoại thường trực, để người dân có thể báo ngay về những sự việc cần giải quyết, xử lý, chấn chỉnh. Thế nhưng, thực tế có không ít đường dây nóng lại quá nguội, chỉ lập cho có, chẳng giải quyết được gì.
Đến nơi, việc đã xong
Anh Nguyễn Ngọc Sang (sinh viên, ngụ tại quận 10, TPHCM) phản ánh: “Tôi chứng kiến một du khách nước ngoài bị một tài xế taxi dù lớn tiếng đòi tiền cước với giá cao quá đáng. Ban đầu tưởng chuyện tranh cãi do bất đồng ngôn ngữ, tôi giải thích cho cả hai cùng hiểu, thì tài xế cự lại, văng tục còn đòi đánh, xua đuổi đi. Tôi sực nhớ quận 1 có điện thoại đường dây nóng bảo vệ du khách, nên gọi nhờ hỗ trợ, can thiệp. Phải mất gần 1 phút nghe tổng đài tự giới thiệu, yêu cầu làm theo thao tác hướng dẫn thì mới có người nghe máy. Sau khi nghe tôi trình bày sự việc đang chứng kiến, nhân viên tổng đài lại hướng dẫn gọi Công an phường Bến Nghé (quận 1). Tôi phải gọi thêm cuộc điện thoại nữa cho Công an phường Bến Nghé, lại phải trình bày và mất thêm vài phút vừa. Hơn 7 phút sau mới thấy có 2 anh dân phòng chạy đến, nhưng đã quá chậm, cuộc tranh cãi đã xong từ lâu, tài xế taxi dù đã bức ép du khách để lấy được tiền và chạy xe đi mất, còn người du khách cũng đã bực bội bỏ đi”.
Bà Zhao Qing (du khách Trung Quốc) phản ánh: “Đầu tháng 9, tôi mua một trái dừa của một người bán hàng rong trong công viên trước khách sạn New World thì bị tính giá quá mắc. Do nhớ đến số điện thoai đường dây nóng trật tự du lịch 08.39826371 mà hướng dẫn viên đã cung cấp, nên tôi gọi đến để báo sự việc. Thật vui mừng vì có người trực đường dây nóng hiểu được tiếng Trung. Tôi trình bày sự việc thì nhân viên trực điện thoại hỏi đang ở đâu, mặc dù tôi nói đang ở công viên này nhưng nhân viên trực điện thoại bảo phải có địa chỉ cụ thể mới giúp được và rồi chẳng thấy ai đến”.
Còn anh Hà Đình Khơi (ngụ tại quận 3, TPHCM) cho biết, anh tiếp chuyện một du khách Trung Quốc, hai bên bất đồng ngôn ngữ, nên anh gọi số 1087 là đường dây nóng của Sở Du lịch TPHCM nhờ giúp đỡ thì nhân viên trực cho hay Tổ tiếng Trung đã về nên không thể giúp được. Lẽ ra đường dây nóng du lịch nên hoạt động chuyên nghiệp hơn, mới có thể thường trực hỗ trợ du khách quốc tế”.
Anh Trần Quốc Bảo (ngụ tại tỉnh Bình Thuận) cũng phản ánh: “Khi vào TPHCM, tôi ghé một quán giải khát ở quận 5 và bị tính tiền quá cao, nên gọi điện thoại đến số đường dây nóng du lịch 1087. Đường dây nóng 1087 gọi phải tốn tiền cước giá quá cao (3.000 đồng/phút), vậy mà nghe phản ánh xong, nhân viên trực chỉ nói du khách đến công an phường khai báo. Tôi hỏi gặng mãi số điện thoại Sở Du lịch mới được cung cấp số 08.38234056, nhưng không gọi được. Lại hỏi nữa mới được cung cấp thêm số 08.38242904, nhưng số này chỉ hoạt động trong giờ hành chính”.
Nóng mà phải làm đơn mới giải quyết
“Nếu gặp sự cố về cây xanh, người dân gọi vào số điện thoại 08.39351351, Xí nghiệp Quản lý cây xanh sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải quyết”, mặc dù có thông báo như vậy nhưng nhiều trường hợp, người dân phản ánh đến Báo SGGP rằng đã gọi điện báo việc cây xanh đổ ngã nhưng chậm thấy có nhân viên xuống xử lý.
Số điện thoại đường dây nóng an ninh trật tự và an toàn du lịch của quận 1 được niêm yết trên đường phố để hỗ trợ du khách. Thế nhưng, khi gọi đến chỉ được hướng dẫn liên hệ công an phường.
Anh H.V.N. cho biết, tối 16-9, công ty của anh có tiệc tiếp khách tại nhà hàng H.R nhưng không được nhà hàng xuất hóa đơn với lý do nhân viên kế toán đã về. Hôm sau anh N. mang phiếu tính tiền (đã thanh toán) trở lại nhà hàng này để lấy hóa đơn, nhưng nhân viên kế toán nói rằng muốn lấy hóa đơn phải trả thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT). Anh N. kể: “Tôi gọi số điện thoại 08.37702288 - đường dây nóng của Cục Thuế TPHCM - để phản ánh thì nhân viên trực tổng đài hướng dẫn phải làm đơn kèm theo bằng chứng liên quan gửi lên Cục. Tôi nói đang đứng trước nhà hàng, mong cán bộ thuế xuống xử lý ngay để có bằng chứng, nhân chứng. Thế nhưng, nhân viên tổng đài trả lời rằng đây là cục Thuế chứ không phải cơ quan điều tra mà phải xuống liền”.
Lẽ ra người trực tổng đài đường dây nóng phải tiếp nhận thông tin, có hướng dẫn ngay cho người dân và liên hệ để có người xử lý ngay sự việc sau khi nhận được điện thoại của người dân. Vậy mà cách xử lý chậm, đòi hỏi đơn từ phiền phức, hoặc thoái thác trách nhiệm, khiến người dân rất bức xúc và việc xử lý không hiệu quả khi không còn nhân chứng, bằng chứng… Ngoài ra hiện nay, TPHCM vẫn còn thiếu nhiều đường dây nóng ở các lĩnh vực quản lý thị trường, thanh tra giao thông, sân bay, hải quan, đất đai… để người dân kịp thời phản ánh và được tư vấn pháp luật về những vấn đề liên quan, để vừa thuận lợi cho dân, vừa giảm tải cho nhiều cơ quan, đơn vị khác thuộc các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến cuộc sống của người dân.
THANH HẢI