Theo thông tin từ cuộc họp báo sáng 17-7 tại Hà Nội về Diễn đàn “Mua bán, sáp nhập Việt Nam 2014 (M&A VietNam Forum 2014) - Đón trước làn sóng thứ 2” (sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 7-8), làn sóng M&A thứ hai từ nay đến năm 2018 sẽ đẩy quy mô giá trị các thương vụ M&A lên đến 20 tỷ USD. Trên thực tế, số thương vụ M&A trong “làn sóng thứ nhất” đã tăng trưởng cao 5 lần, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên đến 5 tỷ USD vào năm 2013.
Đáng lưu ý, một trong những đặc trưng chủ yếu của làn sóng M&A thứ 2 trên thị trường Việt Nam trong 5 năm tới đây - như các chuyên gia kỳ vọng - là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ diễn ra mạnh mẽ chưa từng có, tạo ra nguồn hàng quan trọng cho các thương vụ M&A, cũng như nhiều cơ hội lựa chọn các đối tác chiến lược lớn.
Riêng trong 2 năm tới, dự kiến có 432 tập đoàn, DNNN lớn được cổ phần hóa, trong đó có Vietnam Airlines, MobiFone, nhiều doanh nghiệp lớn khác trong các ngành dệt may, xi măng, thép... Danh sách này sẽ còn tiếp tục dài ra hơn nữa nhằm giảm mạnh số DN 100% vốn nhà nước và DN mà nhà nước giữ cổ phần chi phối. Các ngành dự báo sẽ có những thương vụ M&A lớn bao gồm ngành ngân hàng, sản xuất tiêu dùng, bất động sản, công nghệ thông tin, vận tải - logistics…
Thế nhưng đỉnh cao 20 tỷ USD có đạt được không còn phụ thuộc rất lớn vào việc các “sếp” DNNN có mặn mà với tiến trình cổ phần hóa nói chung và hoạt động M&A nói riêng hay không. Dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng xem ra tiến trình cổ phần hóa đang chậm lại và khó về đích đúng hẹn.
Về khách quan, khi Chính phủ yêu cầu thoái vốn để khắc phục đầu tư ngoài ngành và sở hữu chéo, song cũng lại yêu cầu không được làm thất thoát vốn khi thị trường chứng khoán, bất động sản vẫn chưa “ấm” lên, thì không ai muốn “cầm đèn chạy trước ô tô”. Kể cả biện pháp hành chính (có thể cách chức đối với lãnh đạo DNNN trì hoãn, không tiến hành thoái vốn ngoài ngành) cũng chưa chắc buộc được người đứng đầu DN vội vã hơn lên được.
Về phía chủ quan, khi thực hiện cổ phần hóa triệt để, DN hoạt động theo hệ thống, ít phụ thuộc vào một số cá nhân đồng thời dẫn đến việc phải chia xẻ quyền lực và nguy cơ “người cũ” mất chức, mất việc hoặc bị thay bởi những người mới nên tâm lý chung của “sếp” DNNN là không muốn đẩy nhanh.
Chẳng thế mà tại hội nghị “Đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN khối DN Trung ương đến năm 2015” được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phải nhấn mạnh, cần phân công từng nhân sự trong cấp ủy chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện từng nội dung tái cơ cấu cụ thể mới mong thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa - đồng nghĩa với việc “mở cửa” cho M&A. Chỉ khi đó các DNNN mới trở thành nguồn hàng thực sự, giúp thị trường khởi sắc mạnh mẽ.
Trước mắt, một dự án luật rất quan trọng cần được hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua là dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DNNN. “Nhưng ra luật thì nhanh, ra hướng dẫn mới lâu”, TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa lưu ý. Theo ông, một trong những hướng dẫn quan trọng cần có là cơ chế quyết toán sau cổ phần hóa để lãnh đạo DNNN hiện nay còn “mạnh tay dám ký”.
ANH THƯ