Đường một chiều là giải pháp tối ưu

Thực hiện Năm an toàn giao thông, ngành GTVT đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Một trong những giải pháp là phân luồng giao thông một chiều tại nhiều tuyến đường. Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều chung quanh việc phân luồng đường hai chiều thành một chiều, trong đó ý kiến đồng thuận vẫn chiếm đa số, song vẫn đề nghị ngành chức năng cần cân nhắc tính hợp lý và khoa học khi tiến hành phân luồng.

Thực hiện Năm an toàn giao thông, ngành GTVT đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Một trong những giải pháp là phân luồng giao thông một chiều tại nhiều tuyến đường. Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều chung quanh việc phân luồng đường hai chiều thành một chiều, trong đó ý kiến đồng thuận vẫn chiếm đa số, song vẫn đề nghị ngành chức năng cần cân nhắc tính hợp lý và khoa học khi tiến hành phân luồng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Khu Quản lý GTĐT số 1 - đơn vị quản lý về giao thông của 11 quận nội thành - cho biết:

Trong năm 2012, Khu 1 được giao nhiệm vụ nghiên cứu phân luồng giao thông một số khu vực trên địa bàn quản lý dự kiến triển khai từng bước. Cụ thể, phân luồng 1 chiều ô tô tại 17 tuyến đường bao gồm: đường Hai Bà Trưng - Lê Văn Sỹ - CMT8; Thành Thái - Sư Vạn Hạnh; Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Anh; Tân Thành - Âu Cơ - Lũy Bán Bích; Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý - Tân Sơn Nhì; Lạc Long Quân - Ni Sư Huỳnh Liên; Tỉnh lộ 10 - đường số 7. Về phân luồng 1 chiều các phương tiện tại 21 tuyến đường bao gồm: đường Phan Anh (Ngã tư Bốn Xã), Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thiện Thuật - Phạm Viết Chánh - Cống Quỳnh; Phó Đức Chính - Calmette - Ký Con - Yersin; Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm; Trần Tuấn Khải - Nguyễn Văn Đừng - An Bình - Nguyễn Thới Trung; Nguyễn Cảnh Chân - Trần Đình Xu - Hồ Hảo Hớn - Đề Thám.

* Như dư luận đã góp ý, các cặp đường một chiều không nên cách nhau quá 500m. Khu có nghiên cứu ý kiến đề xuất này để kịp chỉnh sửa trước khi triển khai? Đối với địa bàn quận 1 và 3, việc triển khai đường 1 chiều có nhiều thuận lợi nhờ mô hình “giao thông bàn cờ”, tuy nhiên với các quận như Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh… việc triển khai sẽ khó khăn hơn nên hướng khắc phục sẽ như thế nào?

* Đối với khu vực trung tâm như quận 1, 3 với đặc điểm quy hoạch hình bàn cờ nên nếu phân luồng 1 chiều các cặp đường song song tất nhiên khoảng cách giữa 2 cặp đường sẽ nhỏ hơn 500m. Đây là một thuận lợi. Còn đối với những khu vực như quận Bình Tân, Tân Phú… với đặc điểm là những tuyến đường dài nhưng không có cặp đường song song cùng với đó là mặt đường hẹp nên chúng tôi sẽ nghiên cứu phân luồng 1 chiều nhưng là 1 chiều ô tô để giảm giao cắt trên tuyến.

* Khu có kết hợp với các quận này để mở các đường thay thế, đặc biệt là các đường hẻm để tạo sự liên thông giữa các đường một chiều?

* Căn cứ vào kế hoạch số 101/KH-SGTVT ngày 4-2-2012 của Sở GTVT về việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong năm 2012, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các quận huyện triển khai mở rộng các hẻm nối thông giữa các đường để giảm áp lực giao thông cho các tuyến chính và các nút giao thông có lưu lượng xe cao. Hiện nay Khu 1 đang phối hợp khảo sát với UBND các quận, huyện để đề xuất các hẻm có thể mở rộng.

* Người dân vẫn còn băn khoăn về việc phân luồng đường một chiều sẽ ảnh hưởng kinh doanh buôn bán, mặc dù đã có không ít ý kiến ủng hộ giải pháp này của ngành GTVT. Ý kiến của ông về vấn đề này?

* Giải pháp phân luồng 1 chiều là giải pháp tối ưu trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông còn hạn chế và thiếu thốn như hiện nay. Nếu đem so sánh thiệt hại giữa việc kinh doanh của các hộ dân trong khu vực với thiệt hại do ùn tắc giao thông hàng năm gây ra thì thiệt hại của các hộ dân trong khu vực không đáng kể. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng tình và hợp tác của người dân vì sự phát triển chung của thành phố. 

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục