15 triệu tấn dầu và 25 tỷ USD
Sáng 1-1 (giờ địa phương), Nga đã bắt đầu cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc theo đường ống dẫn dầu từ thành phố Skovorodino thuộc tỉnh Amur ở Siberia đến tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Đường ống dẫn dầu trên có chiều dài hơn 1.000km (trong đó khoảng 72km nằm trong lãnh thổ Nga và 927 km nằm ở lãnh thổ Trung Quốc), công suất 15 triệu tấn/năm. Đây là một nhánh của đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Viễn Đông (công suất 50 triệu tấn/năm), đã được hoàn thành vào ngày 23-12-2010.
Dự kiến trong tháng 1-2011, phía Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc tổng cộng 1,3 triệu tấn dầu mỏ qua đường ống dẫn Amur - Hắc Long Giang. Theo thỏa thuận giữa các công ty dầu mỏ hai nước, phía Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc khoảng 15 triệu tấn dầu mỏ/năm trong vòng 20 năm tới (từ 2011-2030). Lượng dầu thô dự kiến vận chuyển của đường ống này sẽ chiếm 7% lượng nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc. Số dầu thô nhập khẩu thông qua đường ống dầu mỏ này sẽ dùng để đáp ứng nhu cầu của Tập đoàn khí đốt dầu mỏ Trung Quốc CNPC và Nhà máy lọc dầu liên doanh Rosneft tại Thiên Tân. Đổi lại, Ngân hàng Trung Quốc sẽ cung cấp cho một số công ty Nga khoản vay trị giá 25 tỷ USD để được nhập khẩu dầu mỏ trực tiếp từ khu vực Siberia.
Thị trường năng lượng sẽ được định hình lại
Đường ống dẫn dầu mới khai trương giữa Nga và Trung Quốc được giới quan sát đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Theo tuyên bố của Thủ tướng Nga Vladimir Putin hồi tháng 8 năm ngoái, thời gian đầu, đường ống này sẽ cung cấp khoảng 30 triệu tấn dầu thô mỗi năm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau đó tăng dần lên 50 triệu tấn. Đường ống này không những giúp tăng cường mối quan hệ năng lượng giữa hai nước Trung – Nga, mà theo ông Putin “đây là cuộc cạnh tranh đáng kể với con đường chuyển dầu cho các nước châu Âu”. Còn Sergei Luzyanin, Phó Giám đốc Viện Viễn Đông của Nga nhận định, đường ống sẽ định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu vì nó thay đổi dòng chảy nguồn cung và nguồn tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu.
Mặc dù châu Âu hiện vẫn là thị trường xuất khẩu dầu khí chính của Nga, nhưng cả Bắc Kinh và Mátxcơva đang tìm cách đa dạng hóa các thị trường cung cấp và tiếp nhận năng lượng của mình. Nga, nước sản xuất năng lượng lớn nhất, đã xoay hướng từ Tây sang Đông, chọn Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, làm thị trường thay thế vì châu Âu không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư vào nền kinh tế Nga. Nga còn lên kế hoạch bắt đầu cung cấp gas cho Trung Quốc kể từ năm 2015. Hiện Nhật Bản đang chạy đua với Trung Quốc, thuyết phục Nga xây dựng đường ống tới cảng Nakhodka để cung cấp dầu cho quốc đảo.
Dầu và niềm tin
Tờ China Daily ngày 2-1 trích dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, đường ống trên không những đã mở ra một chương hợp tác năng lượng mới giữa hai nước, mà còn mang lại nhiều cơ hội chung cho sự hợp tác - phát triển các công nghệ năng lượng không truyền thống giữa đôi bên. Nga muốn chuyển đổi sự hợp tác từ hoạt động xuất nhập khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên sang hợp tác trong những lĩnh vực mới như năng lượng hạt nhân, xây dựng các công viên công nghệ cao…
Các chuyên gia cũng nhận định đường ống này là kết quả của sự tin cậy trong quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, không những là tin cậy về kinh tế mà cả về chính trị. Nga và Trung Quốc từng đề ra thái độ chiến lược chung trước các vấn đề Iran, Afganistan, Triều Tiên… Hai quốc gia này cũng có cái nhìn giống nhau về sự phát triển của quan hệ quốc tế và tình hình quốc tế, đều tán thành xây dựng thiết chế thế giới đa cực, bình đẳng và hài hòa. Trung Quốc cũng nằm trong số những ưu tiên đối ngoại của Nga, bên cạnh các nước SNG và EU, Mỹ và các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.
Hạnh Chi