Dứt khoát loại bỏ dạy thêm tràn lan

Dứt khoát loại bỏ dạy thêm tràn lan

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có nhiều văn bản chấn chỉnh việc dạy thêm trong trường phổ thông. Trong đó, có nhiều quy định cụ thể như: “Các trường phổ thông công lập không được tổ chức dạy thêm đồng loạt đối với học sinh ở các lớp phổ thông và không dùng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh học thêm ngoài giờ học. Cho phép dạy thêm mang tính chất hỗ trợ đối với một số học sinh kém, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp”.

Thông tư liên bộ GD-ĐT và Tài chính cũng ghi rõ: “Nếu phải tổ chức dạy bù (để bảo đảm thực hiện đủ chương trình, lý do về phía nhà trường hoặc giáo viên) thì các buổi dạy thêm đó không được thu tiền”.

Dứt khoát loại bỏ dạy thêm tràn lan ảnh 1

Những đối tượng học sinh cần dạy thêm phải là những học sinh thuộc diện kém, nhằm giúp các em này vươn lên đạt trình độ trung bình; những học sinh giỏi, nhằm phát hiện bồi dưỡng năng khiếu; những học sinh cuối cấp, nhằm ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hình thức dạy thêm theo đúng chủ trương của ngành.

Dù đã có quy định cụ thể như vậy, nhưng thời gian qua, một số nơi tình trạng dạy thêm tràn lan vẫn tồn tại. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, những hiện tượng tiêu cực thường gặp là, một số giáo viên vì muốn có thêm thu nhập nên đã dùng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh (kể cả học sinh tiểu học) không thuộc đối tượng phải học thêm ngoài giờ, ngay cả đối với những môn mà học sinh không có yêu cầu.

Dạy trước một số vấn đề trong chương trình chính khóa, thực hiện một số bài kiểm tra tại các giờ học thêm để những học sinh đó đạt điểm cao trong các giờ kiểm tra ở lớp chính khóa.

Những việc làm sai trái như trên, trước hết là phản khoa học, phi sư phạm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý học sinh, buộc học sinh phải lao động quá sức, nghe giảng nhiều, tự học ít, giảm khả năng tự chủ sáng tạo, làm cho học sinh có nhận thức không đúng về sự thành công và thất bại của chính mình.

Từ việc dạy thêm, học thêm tràn lan mà quan hệ thầy trò bị lợi ích kinh tế điều tiết, làm tổn hại đến uy tín của giáo giới, gây bất bình trong dư luận xã hội. Sở dĩ có tình trạng này là do một bộ phận nhỏ hiệu trưởng và giáo viên các trường đã không nghiêm chỉnh thực hiện các quy định hiện hành của nhà nước và Bộ GD-ĐT về vấn đề dạy thêm. Chính quyền địa phương các cấp cũng chưa thực hiện hết quyền quản lý nhà nước của mình trong việc kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động giáo dục - đào tạo trái với các quy định hiện hành.

Việc dạy thêm, học thêm sẽ thật sự mang tính thiết thực, bổ ích khi nó đảm bảo đầy đủ nguyên tắc thật sự tự nguyện trong việc đăng ký học thêm của PHHS. Việc dạy thêm phải được bàn bạc dân chủ, công khai trong mỗi hội đồng sư phạm nhà trường, trong các đại hội giáo dục cơ sở với sự tham gia tích cực của hội PHHS.

Đặc biệt, ngành giáo dục phải đưa vấn đề này thành tiêu chí để xem xét đánh giá thi đua, khen thưởng, nâng bậc lương của giáo viên. Được như vậy mới mong lập lại được trật tự trong việc dạy thêm, học thêm vốn hết sức rối ren và phức tạp ở không ít nơi trong thời gian qua. 

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục