(SGGP).- Ngày 20-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trình Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông.
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn chương trình mới, thực nghiệm, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Thực hiện chủ trương một CT, nhiều SGK, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành CT giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Dựa trên CT thống nhất toàn quốc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn SGK khác nhau. Bộ GD-ĐT ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá SGK, biên soạn, thẩm định SGK; thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định SGK; ban hành quyết định công nhận các bộ/cuốn SGK được phép lưu hành dựa trên kết quả của việc thẩm định. Tổ chức nghiên cứu mô hình SGK điện tử để từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện.
Về việc biên soạn SGK, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT không nên biên soạn mà chỉ thẩm định SGK. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho triển khai theo phương án: Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Điều này nhằm chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới CT một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều SGK. Chính phủ nêu rõ, việc có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ SGK khác cùng lưu hành; tất cả các bộ SGK đều được Hội đồng quốc gia thẩm định độc lập.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Ủy ban này đồng tình phương án Bộ GD-ĐT tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Với băn khoăn Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ không công bằng với các tổ chức, cá nhân khác, Ủy ban này chỉ rõ “mục tiêu vì lợi ích của đông đảo học sinh và vì chất lượng giáo dục phải đặt lên trên yêu cầu công bằng trong kinh doanh nếu có xung đột. Hơn nữa, băn khoăn về vấn đề này có thể xử lý bằng việc bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn cho các nhà xuất bản để phát hành, kinh phí thu được nộp ngân sách nhà nước cũng như việc giao thẩm quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục”.
Về vấn đề kinh phí, Chính phủ trình tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án là 462 tỷ đồng cho các nhiệm vụ: biên soạn, thẩm định và tài liệu tập huấn SGK mới. Ngoài ra, thực hiện góp ý của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng dự toán bổ sung phần kinh phí cho việc triển khai thực hiện CT-SGK mới là 316,8 tỷ đồng. Phần kinh phí này sẽ thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo CT mới... Như vậy, tổng kinh phí để thực hiện đề án là 778,8 tỷ đồng, trong đó dự kiến trên 505 tỷ đồng là từ ngân sách trung ương và trên 274 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
PHAN THẢO