Đến tận bây giờ, cứ mỗi sáng sớm, tôi lại nhớ về ánh mặt trời rạng rỡ ở quần đảo Trường Sa. Bình minh trên đảo khác rất nhiều so với đất liền. Ánh nắng không chói chang, nhưng soi rõ dáng hình một vùng biên cương, hải đảo thân yêu của Tổ quốc. Ở nơi ấy, có những anh lính trẻ kiên cường, vững chải như cây phong ba trong gió táp, mưa sương, đang ngày đêm chắc tay súng để canh giữ bình yên cho vùng trời vùng biển quê hương.
Không phải tôi, mà hình như rất nhiều người khi ra Trường Sa đều muốn gặp đồng hương của mình tại vùng biên đảo. Vừa đặt chân lên đảo, tôi hỏi ngay người mình gặp đầu tiên: “Có lính thành phố ở đảo này không bạn?”. Thật may mắn, người lính trẻ đón đoàn chúng tôi tại cầu tàu hôm đó là một trong những người con thân yêu của thành phố mang tên Bác đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Đó là Trần Minh Hậu, nhà ở quận 9.
Đêm Trường Sa xuống rất nhanh. Chỉ vài phút mặt trời khuất bóng, bóng tối đã phủ kín vùng biên đảo. Chỉ có khu vực tổ chức giao lưu văn nghệ là rực rỡ ánh đèn bởi công trình điện gió trên đảo. Trong tiếng nhạc xập xình, Hậu lặng lẽ ngồi bên tôi kể đủ thứ chuyện ở nhà.
Rồi Hậu kể tôi nghe chuyện trên đảo. Trường Sa bây giờ không còn quá khó khăn như trước bởi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và những người từ đất liền. Doanh trại khang trang, vững chải; phương tiện, thiết bị bảo vệ đảo và phục vụ đời sống nhân dân được trang bị ngày càng tiên tiến, hiện đại hơn.
Đặc biệt, công trình điện tại Trường Sa đã đem đến ánh sáng và phục vụ các nhu cầu thiết yếu về nghe, nhìn cho nhân dân và lính đảo. Công trình gồm điện gió và điện mặt trời do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM làm chủ đề tài và Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện với kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Trường Sa bây giờ không còn quá xa đất liền bởi đã có sóng điện thoại di động. Sự kiện này đã rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa lính đảo và gia đình.
Thiếu tá Trần Xuân Lập, cán bộ ở đảo Phan Vinh, cho biết: “Tôi công tác ở đảo gần 10 năm. Trước đây vài tháng mới được nhận thư và quà của gia đình. Nhớ lắm! Nhưng nay sướng rồi. Đảo nào cũng được phủ sóng điện thoại di động, nên rất tiện cho việc liên lạc với gia đình. Thằng cu con của tôi mới biết nói bi bô, được nghe con nói trong máy, không gì vui bằng”.
Đã có khá nhiều cuộc gặp bất ngờ, cảm động diễn ra trong chuyến hải trình đến với đảo Trường Sa. Đại tá Lê Cao Thịnh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn bất ngờ gặp lại đồng đội cũ là Trung úy Nguyễn Văn Hậu tại đảo Tốc Tan; Đại tá Nguyễn Ngọc Long, (công tác tại Bộ Quốc phòng) gặp đồng hương Thiếu tá Trần Xuân Lập ở đảo Phan Vinh… Kỷ niệm giữa “thủ trưởng và đồng đội” của những ngày chiến đấu bên nhau lại ùa về qua những câu chuyện được nhắc lại. Thế là hai người bạn cũ lấy điện thoại gọi về đất liền để anh Lập trò chuyện thêm với những người bạn cũ.
Đại tá Long cho biết: “Mừng quá, tôi và Lập ở gần nhà nhau. Tôi đi bộ đội trước Lập nhiều năm. Sau bao năm không gặp, không ngờ anh em tụi tôi lại được đoàn tụ ở đây, giữa đại dương mênh mông này”.
(*) Tên một ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long.
ĐOÀN HIỆP
| |