Tết Nguyên đán Tân Mão đang đến gần, nhiều cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo, thực phẩm khô… tại TPHCM hoạt động mạnh. Bên cạnh lượng sản phẩm bán ra thị trường tăng nhanh, tình trạng sản xuất ô nhiễm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng đang ở mức báo động. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành chức năng vẫn chưa thực sự căn cơ.
Công nghệ làm mứt trắng, nem dai
Đi cùng một chủ cửa hàng tạp hóa ở Chợ Lớn vào cơ sở sản xuất mứt K.H trên đường Văn Thân (phường 8, quận 6) mua mứt, chúng tôi ớn lạnh khi chứng kiến cách làm mứt kém vệ sinh ở cơ sở này. Gian nhà bếp ẩm thấp, mặt đất bì bõm nước bốc mùi hôi chua, công nhân qua lại làm đất, nước văng lên những thùng bí đao, gừng, củ năng, hạt sen… đã gọt vỏ không đậy nắp.
Lần lượt nguyên liệu được đưa lên chảo luộc chần (luộc sơ qua) bằng nước đục. Nguyên liệu sau khi luộc xong lại đem đổ vào những thùng tre, thau nhôm bám đầy bụi, chờ khô nước sẽ đưa vào chảo sên đường.
Quan sát kỹ chúng tôi thấy, khi đưa mứt vào chảo để sên, người đứng sên không quên cho thêm một ca nước mà theo anh G., một người phụ việc ở đây: “Đó là nước tẩy làm trắng các loại mứt gừng và bí đao.
Tùy lượng mứt trong chảo mà cho lượng nước tẩy phù hợp để mứt đạt độ trắng (thường 10kg mứt/chén nước tẩy có pha thêm nước). Khách vào mua mứt thấy vô nước tẩy ai nấy cũng dè dặt, sợ khi vận chuyển cơ quan chức năng kiểm tra sẽ phạt. Nói vậy chứ cơ sở cũng hiếm khi bị kiểm tra thì thương lái làm sao bị bắt được. Nói thật, nếu không tẩy thì mứt có màu sẫm, rất khó bán”.
Còn ở cơ sở sản xuất nem chua T.T. (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cũng mất vệ sinh không kém. Từ các khâu nhồi thịt, rửa lá đến gói nem… công nhân đều ngồi bệt dưới đất. Hì hục dùng cối quết thịt, mặt anh T. nhễ nhại mồ hôi, lắm lúc nhỏ xuống cối thịt, đang nghỉ mệt, anh lại quệt mồ hôi trên trán rồi dùng tay nhào thịt trong cối, tiếp tục quết nhuyễn.
Sau một hồi chuyện trò về thời gian, giờ giấc làm việc, nơi phân phối sản phẩm… anh T. còn chia sẻ với chúng tôi về “công nghệ” làm nem ở cơ sở này. Anh cho biết, muốn nem dai, thơm và lâu mốc khi quết thịt công nhân phải cho thêm nhiều phẩm màu, hàn the và các phụ phẩm khác…
Tuy nhiên, mất vệ sinh nhất phải kể đến cơ sở sản xuất nước ngọt TH.L. (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Để chiết nước ngọt vào chai, công nhân ở đây dùng “công nghệ” lực hút của miệng, một đầu ống nhựa cho vào thùng nước ngọt lớn, đầu còn lại dùng miệng hút, khi nước lên đến đầu ống thì cắm đầu ống nhựa vào chai. Cứ thế, hàng chục công nhân tại cơ sở vô vài chục chai nước mỗi ngày.
Tương tự, qua nhiều ngày thị sát, chúng tôi còn phát hiện nhiều cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn khô khác ở TPHCM sản xuất kém chất lượng, như: Cơ sở sản xuất lạp xưởng T.L. (phường An Lạc A, quận Bình Tân), cơ sở lạp xưởng T.K. (phường 8, quận 6)…
Đứng trước tình trạng sản xuất, chế biến ô nhiễm, không an toàn vệ sinh khi chế biến tại các cơ sở, trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng cao, người dân đang rất hoang mang, lo lắng.
Có kiểm tra, nhưng...
Trao đổi với PV Báo SGGP về thực trạng này, BS Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Y tế quận 6, cho biết trên kế hoạch của Sở Y tế gửi các quận huyện, mỗi năm phòng đều tập trung kiểm tra 3 lần. Tuy nhiên, trên địa bàn quận 6, lượng cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm khô, bánh mứt nhiều (với khoảng 4.300 cơ sở lớn nhỏ), do đó hàng tháng, Phòng Y tế quận có phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành và các phường tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất ngoài kế hoạch nhằm xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất vi phạm.
Ngoài ra, hàng tuần Trung tâm Y tế dự phòng của quận cũng mở các lớp tập huấn, đào tạo nguyên tắc sản xuất, cách chế biến cho chủ cơ sở và công nhân để hạn chế các vi phạm, nhất là trong vấn đề đảm bảo VSATTP để hạn chế các vi phạm.
Tuy nhiên, trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thời vụ mọc lên, do đó vấn đề thực hiện sai nguyên tắc, quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng, mất VSATTP là khó tránh khỏi. Ngành chức năng cũng tập trung kiểm tra nhưng không thể đảm bảo tuyệt đối.
BS Nguyễn Văn Quân cho biết thêm: “Hiện nay, Sở Y tế TPHCM chưa có kế hoạch, phương án kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kém chất lượng trong thời gian phục vụ tết, dù vậy hiện phòng cũng đã tham mưu UBND quận để sớm có kế hoạch ngăn chặn tình trạng này. Riêng với cơ sở sản xuất mứt K.H (phường 8, quận 6), phòng đã nhiều lần xử phạt và sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm”.
Ông Hà Văn Sắc, Trưởng phòng Y tế quận 12 cũng khẳng định trên địa bàn hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến không đảm bảo chất lượng, mất VSATTP. Để ứng phó với tình trạng cơ sở sản xuất kém chất lượng, mất vệ sinh trong thời điểm tết đến gần, hiện quận cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên phường, liên quận.
“Trong năm 2010, số cơ sở sản xuất mất vệ sinh trên địa bàn tăng 10% so với năm trước. Trong những tháng còn lại, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị, ban ngành trực thuộc quận quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử lý” - ông Sắc cho biết thêm.
TUẤN VŨ - ĐỨC CƯỜNG