
Hiện nay, TPHCM còn khoảng 23.700ha đất trồng lúa có năng suất thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động nông nghiệp và nông thôn ngoại thành chưa cao. Chính vì vậy, TPHCM đang đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động và thu nhập cho lao động trong ngành này.
TPHCM xác định nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Tức là ngoài việc tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thì đồng thời cải thiện điều kiện sống, nâng trình độ văn hóa, xây dựng nếp sống mới phù hợp với quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ.
Trong đó, TP tập trung phát triển các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả như kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên mỗi diện tích và tập trung chuyển dịch cơ cấu đất lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao.

Thu hoạch dứa Cayen nhân giống từ dứa Cayen Thái Lan cho năng suất 40 tấn/ha tại Công ty Cây trồng TPHCM. Ảnh: T.TÂM
Để hỗ trợ quá trình này, TP sẽ công bố quy hoạch và định hình các vùng sản xuất giống cây, giống con, thủy sản; hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, gắn nghiên cứu với ứng dụng, chọn giống, tạo giống.
Mục tiêu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện đô thị, sản xuất giống cây, giống con, cung cấp các loại giống tốt, giống mới có năng suất, chất lượng cao đến thị trường tiêu thụ…
Cụ thể TP yêu cầu, trong việc chuyển dịch cơ cấu các sản phẩm nông nghiệp, cần tập trung chuyển từ sản xuất ra sản phẩm hàng hóa sang sản xuất giống cây, giống con để hình thành trung tâm tạo giống, khuyến khích người nông dân trồng các rau an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và tập trung cho cây cảnh, cá kiểng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, TP xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm kiểm soát giống cây trồng, vật nuôi, trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, trung tâm thủy sản TP; nghiên cứu và ban hành các quy chế, chính sách, ưu đãi hỗ trợ đầu tư có hiệu quả chương trình phát triển công nghệ sinh học, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao và nông sản chủ lực của TP.
Như vậy, việc thúc đẩy hình thành các mô hình hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu với nông dân, gắn kết với các vùng nguyên liệu rất cần thiết.
Các ngành liên quan cần có biện pháp tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và các chất kháng sinh trong sản xuất, chế biến nông thủy sản; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, phát triển giao thông nông thôn, hạ tầng thủy lợi và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; triển khai các biện pháp phòng, chống úng ngập trong mùa mưa, đôn đốc các địa phương, đơn vị hoàn thành công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình, đầu tư trang thiết bị phòng chống lụt bão; mở rộng phạm vi hoạt động và tăng tỷ trọng tín dụng của hệ thống ngân hàng cho vùng nông thôn.
Ngoài việc đẩy mạnh cơ cấu chuyển dịch kinh tế ngành nông nghiệp, TP còn chú trọng đến việc tăng dần tỷ lệ che phủ, tạo “lá phổi xanh” cho đô thị và các khu công nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan du lịch, sử dụng hợp lý đất đai, gia tăng cây lâu năm trên đất rừng.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng nhanh và sớm ổn định rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là ổn định diện tích rừng ngập mặn ở huyện Cần Giờ, gắn với chương trình trồng rừng để hình thành các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thu hút lượng khách du lịch tạo ra nguồn thu mới.
PHƯỚC NGỌC