Gặp gỡ giữa rừng tràm Trà Sư

Gặp gỡ giữa rừng tràm Trà Sư

Chưa có trại sáng tác điêu khắc quốc tế nào ở Việt Nam lại tập hợp đông đảo các nghệ sĩ trong, ngoài nước đông đảo như trại sáng tác “Dấu ấn An Giang II” tại Khu du lịch núi Sam, Châu Đốc. Con số các nhà điêu khắc lên đến 60 người và quốc tịch của họ được ghi nhận khoảng gần 20 quốc gia.

Chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn rơi vào tuần đầu tiên của tháng 11. Buổi tối trước ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ba nhà điêu khắc Dusavitskaya Valentina, Yury Tkachenko, Kuznetsov Valery đã ồ lên ngạc nhiên khi các bạn Việt Nam tặng hoa. Họ thật bất ngờ và cảm động, giống như hôm các các đồng chí lãnh đạo ở thị xã Châu Đốc trân trọng đón tiếp khi nghe tin trong đoàn có các nhà điêu khắc Nga tham gia lần đầu tiên ở vùng đất miền Tây Nam bộ.

Gặp gỡ giữa rừng tràm Trà Sư ảnh 1

Khách du lịch tham quan khu rừng tràm Trà Sư.

Các nghệ sĩ sẽ thực hiện tác phẩm như thế nào đó là việc làm ròng rã suốt tuần lễ tại trại sáng tác. Còn bây giờ là lúc họ thư giãn trong những giây phút đi thuyền trên sông ghé thăm các nhà bè nuôi cá ba sa và phân ra từng nhóm, theo từng chiếc đò máy nhỏ tiến sâu vào thăm làng Chăm. Nhà điêu khắc trẻ người Hà Lan, Chris Peterson, luôn “kiệu” con gái nhỏ trên vai khi tham quan vùng đất mới.

Không biết có những dấu ấn gì lạ lẫm trong đôi mắt tròn xoe của trẻ thơ mà “cô điêu khắc con” cứ đòi rời tay bố mẹ để được tự do ngắm nhìn phong cảnh sông nước vùng khí hậu nhiệt đới? “-Ồ đẹp quá!”, thỉnh thoảng cô bạn ngồi cạnh Choe So Dong, nhà điêu khắc Hàn Quốc, trầm trồ khi thấy chiếc vó cá của ngư dân cất lên.

Buổi chiều vừa tham quan Tịnh Biên, vùng đất giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia, đoàn tiếp tục dong ruổi cuộc hành trình trên sông thăm rừng tràm sinh thái Trà Sư. Thật khó tưởng tượng giữa vùng rừng cây xanh bạt ngàn xa xôi của Việt Nam lại là điểm hội tụ của những nghệ sĩ từ bốn phương trời đến.

Các nhà điêu khắc Việt Nam: Trương Đình Quế, Nguyễn Quân, Dương Đình Chiến, Đặng Thị Khuê, Lê Thị Hiền, Hoa Bích Đào, Bùi Hải Sơn, Trần Thanh Nam, Nguyễn Tấn Cương, Lương Văn Thạnh, Ngô Liêm, Nguyễn Hoàng Ánh… chắc đã sẻ chia cảm xúc cùng những người bạn Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Pháp, Mỹ, Nga, Ireland, Australia…

Chim bay về núi tối rồi… Câu ca dao Việt Nam tưởng như có thể ứng vào khung cảnh này. Mà không, ở đây, chim đang bay về rừng… Đứng từ trên đài cao nhìn xuống rừng tràm xanh bát ngát, phía dưới nước là bèo ngập xanh biếc… Bỗng, vụt lên từ những ngọn tràm là hàng ngàn cánh cò trắng xôn xao, bay rợp…

Nhưng, cũng lúc này đây, trong ngôi nhà sàn rộng, tiếng đàn, tiếng hát trầm bổng, nhịp nhàng của các nghệ nhân đờn ca tài tử địa phương đang làm rung động những nghệ sĩ điêu khắc nước ngoài. Nhà điêu khắc Paul Patrich Haggins bỗng ngẫu hứng bước lên hát một giai điệu dân ca Ireland thật sôi nổi; và sau anh còn nhiều người nữa đã hát tình ca Nga, dân ca Mỹ…

Trời sẫm tối. Con đò đã nổ máy rồi mà không khí luyến lưu rừng tràm Trà Sư chưa dứt. Mưa đêm trên sông lắc rắc hột. Bên trong khoang đò, mọi người tiếp tục hát vang liên ca khúc các nước. Thật lạ lùng, ngồi trên mui đò, dù bị ướt mưa, “đoàn di-gan quốc tế” vẫn hợp ca một cách nồng nhiệt. Mưa mặc mưa, giọng hát của nữ điêu khắc gia Pháp F. Kurtz vang vang: Alouette... gentille alouette…

Liên hoan Du lịch đồng bằng sông Cửu Long lần II (Mekong Festival 2006) sẽ diễn ra từ 23-2 đến 26-2-2006 tại hai địa điểm: thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc. Rừng tràm Trà Sư là mô hình du lịch sinh thái mới sẽ được giới thiệu trong dịp này.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục