Sau những ngày chống càn ác liệt ở xóm Thuốc, Củ Chi, căn cứ Văn nghệ chuyển sang ở Tà Leng (Bến Cát) bên kia sông Sài Gòn. Lúc này chúng tôi không còn cảnh ăn củ nầng thay cơm, mà chuyển sang ăn ba phần là khoai mì.
Sáng sáng khi những chậu cơm đưa lên bàn, bao giờ cũng có một tô cơm nguyên (phần cho người bệnh) kèm bát nước chấm nấu bằng gạo rang cùng muối kho quẹt. Anh em tự giác ai bị bệnh thì ăn cơm không, còn khỏe cứ cơm khoai mì mà chén. Bỗng có tin vui lan truyền: Đêm qua mua được ít lúa gặt của dân, sáng nay mang đi chà, tối sẽ có cơm ăn. Hoài Vũ, Giang Nam (giải thưởng Nhà nước đợt 1, năm 1996) đi xuống bếp mặt mày hớn hở. Hoài Vũ chỉ mâm cơm đầy khoai mì nói giọng tỉnh bơ: Bây không ăn ráng, mai hết củ mì đừng bắt anh nuôi đi mua về bỏ lò nướng. Nói xong ông cười ngất ngất, hôm qua đội bảo vệ ra đồng gặt cùng dân trong ấp chiến lược, gặt đến đâu mua lúa tới đó nên hai thủ trưởng mừng vì có lương thực dự trữ. Mấy ngày hôm sau chúng tôi phải đào hầm, rải lá tràm lên để cất giấu lúa vì đó là phần sống còn của những người sống trong căn cứ.
Vợ chồng nhà thơ Giang Nam và con gái.
Sớm hôm sau, chúng tôi thấy mọi người dọn dẹp bếp ăn, quét đường sá sạch sẽ và báo tin có vợ và con anh Giang Nam từ thành vào thăm. Một lát sau Giang Nam cùng vợ và con gái tên Trang - học sinh trung học, vào tới. Chuẩn bị đón vợ con vào chơi, trước đó mấy ngày Giang Nam một mình làm lại hầm cho kiên cố, anh còn chặt những cây gỗ tròn chèn xung quanh hầm trông đẹp như một căn nhà giữa mặt phố.
Hôm sau, bé Trang xuống hầm tôi chơi và xin ngủ lại. Cháu hỏi tôi: Cô là cử nhân văn khoa? Tôi gật đầu. Ngần ngừ một lát, Trang tâm sự: Trước khi vào rừng gặp ba cháu, bạn bè ai cũng bảo ba là một hoàng tử thơ mộng mơ, có dáng thi sĩ. Vậy mà khi gặp thấy ba ăn muối mặn với ớt cay dễ sợ, trong bữa ăn lẽ ra ba phải gắp đồ ăn cho má, hay hỏi cháu thích ăn gì, đằng này ba chỉ cười và nói: Hai mẹ con ăn đi cho nóng… Tôi cười, đợi cho Trang nguôi ngoai rồi nói: Con người thật của ba cháu là thế, thơ của ông cũng chân mộc như con người ông vậy. Nếu ba cháu là hoàng tử thơ, sống ẻo lả, thơ cũng lả lướt thì không còn là thơ Giang Nam. Các cô và bao chiến sĩ yêu chất thơ mộc mạc như cuộc đời thường mà kiên trung của ba cháu. Con có một người cha là thi sĩ của bao chiến sĩ con biết không? Trang ngồi trên võng lắng nghe, cô bé như đang từng bước nhận diện người cha thật trong cuộc đời cô và đẩy dần những hào quang mà bạn bè thường thầm thì bên tai về cha của mình. Trang xin đọc vài trang viết của tôi trên bàn, có lẽ với cháu đó là một loại văn chương lạ so với văn chương mà cháu vẫn đọc trong thành. Trang níu tay tôi và hỏi: Cô cũng là đồng nghiệp của ba cháu? Tôi cười và nói: Cô là thế hệ đàn em viết sau ba cháu. Cháu Trang lại hỏi: Ở miền Bắc ngoài đó nghèo mà học sinh học giỏi lắm hả cô. Tôi gật đầu, vì biết Trang hiểu về miền Bắc là cái nghèo và sự ham học…
Trò chuyện xong, tôi bê mâm cơm trưa xuống hầm ăn cùng Trang, cháu hăm hở ăn cơm ở rừng và khen muối kho quẹt thật ngon. Hai cô cháu còn ăn tráng miệng bằng mẩu khoai mì nướng chấm sữa đặc. Cháu ăn ngon lành như chưa bao giờ được ăn khoai mì nướng ngon như vậy, sau đó cháu ngủ một giấc ngon lành trên võng, tôi thấy cháu mơ như đang gọi cha. Sau giấc ngủ trưa, cháu ngồi dậy, có vẻ thoải mái hơn và vẫn không quên câu chuyện buổi sáng. Cháu nói từ tốn: Cô nói về ba, cháu thấy đúng và tin cô. Nói xong cháu vuốt tóc rồi chạy về căn hầm của mình. Mấy ngày sau anh Giang Nam tiễn vợ và con bên cửa rừng, tôi sung sướng được Trang chạy lại ôm để chào tạm biệt.
Gần đây ra Nha Trang, nghe tin vợ anh Giang Nam bị bệnh, tôi ghé vào thăm chị. Nghe giọng tôi, chị vẫn nhận ra, bởi thi thoảng tôi với chị vẫn nói chuyện qua điện thoại. Chị giới thiệu tôi với một chàng trai trẻ và nói đó là con trai của Trang khiến tôi hơi ngỡ ngàng. Chàng trai trẻ này là một trong những phi công được đào tạo bài bản và rất yêu quý bà ngoại. Người bà từng nhận trách nhiệm nuôi con một mình, bị tù đày mấy phen nhưng một mực nhận là không có chồng, chỉ kiếm đại đứa con để nuôi… Một phần đời quan trọng của nhà thơ Giang Nam ngồi kia, phần còn lại đầy hạnh phúc là cháu ngoại đã trưởng thành.
Mấy ngày sau trở về TPHCM nghe tin vợ anh Giang Nam mất, anh em chúng tôi tiếc thương một tâm hồn suốt đời theo cách mạng bằng cách của mình - những người phụ nữ ở thành có chồng đi kháng chiến.
TRẦN THỊ THẮNG