Nếu tính cột mốc là ngày khai thác tấn dầu đầu tiên (tháng 6-1986), đến nay Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) đã khai thác được hơn 220 triệu tấn dầu thô, đưa vào bờ trên 30 tỷ m3 khí đồng hành. Thành quả đó có được nhờ sự đóng góp đáng kể bởi hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học…
Các kỹ sư nghiên cứu tính chất lý hóa của dầu, một trong những bước tiền đề cho ra đời các công nghệ khai thác dầu khí hiện nay
Vượt khó
Trên những đại công trường khai thác dầu khí những ngày này, câu chuyện về “công nghệ khai thác, thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều paraffin trong điều kiện đặc thù” đã được nhắc đến như một tài sản quý báu, đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho ngành dầu khí Việt Nam.
Nhớ lại thời điểm cách đây gần 32 năm, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro, cho biết khi đó đơn vị đã phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ tại giếng thăm dò BH-5 (tháng 5-1984) và 2 năm sau khi tìm thấy dầu, ngày 26-6-1986 đã đưa mỏ này vào khai thác. Trên thực tế, việc khai thác và vận chuyển dầu gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm đó, đất nước đang bị bao vây, cấm vận nên Việt Nam đã lựa chọn công nghệ khai thác, thu gom và vận chuyển dầu thô trên biển bằng đường ống ngầm theo thiết kế của Liên Xô cũ. Đó là mô hình thiết kế giàn 16716 áp dụng cho dầu ít paraffin, có nhiệt độ đông đặc và độ nhớt thấp. Công nghệ đó không cho phép thu gom, xử lý và vận chuyển dầu có các tính chất phức tạp (nhiều paraffin, nhiệt độ đông đặc cao…) như của mỏ Bạch Hổ. Với việc paraffin kết tinh mạnh, nếu vẫn tiếp tục khai thác, nguy cơ vỡ ống dẫn dầu hiển hiện trước mắt.
“Nhiều đồng nghiệp người Nga chung nỗi lo với chúng tôi. Họ đề xuất nên mời thêm các chuyên gia đầu ngành sang hỗ trợ tìm giải pháp. Sau những cuộc họp căng thẳng, lãnh đạo Vietsovpetro đi đến quyết định táo bạo là tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Nói là táo bạo bởi lẽ phải nghiên cứu trong điều kiện cơ sở vật chất cực kỳ khiêm tốn. Nếu thành công sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành dầu khí, ngược lại là viễn cảnh nhận 3 trái chuối một ngày (ý nói đi ở tù - PV)”, ông Tống Cảnh Sơn, Phó chánh kỹ sư phụ trách khoa học & công nghệ, Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế, Vietsovpetro, chia sẻ.
Bằng các nghiên cứu công phu, 30 kỹ sư đầu đàn của Vietsovpetro đã sáng tạo và hình thành nên công nghệ vận chuyển dầu nhiều paraffin của riêng mình với đặc trưng là tổ hợp của nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ. Trong đó phải kể đến giải pháp tận dụng địa nhiệt của giếng dầu để xử lý dầu, cho phép xử lý hóa phẩm thành công dầu thô các giếng có nhiệt độ miệng giếng thấp ở mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và các mỏ kết nối để vận chuyển an toàn bằng đường ống ngầm đi xa. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu sử dụng condensate có sẵn tại mỏ thay thế các dung môi truyền thống để pha loãng dầu thô khai thác ở mỏ Rồng với hàm lượng trên 5%, làm giảm độ nhớt và nhiệt độ đông đặc của dầu thô. Bên cạnh đó là giải pháp bổ sung nước biển vào đường ống vận chuyển làm tăng tối đa vận tốc dòng chảy, đủ sức tẩy rửa lớp lắng đọng paraffin mềm hay các lớp dầu đông đặc trong đường ống, giúp phục hồi được khả năng lưu chuyển của đường ống…
Đến năm 1994, lần đầu tiên, bằng công nghệ của chính các kỹ sư Việt Nam, đường dẫn dầu 42km dưới đáy biển, nối mỏ Rồng đến mỏ Bạch Hổ, thông suốt trước sự ngỡ ngàng của các chuyên gia quốc tế.
Nối kết mạch dầu
Tại Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ, đánh giá công nghệ thu gom và vận chuyển dầu trong điều kiện dầu nhiều paraffin, ông Trần Đức Chính, thành viên Hội đồng chuyên ngành dầu khí, nhận định: Công trình nghiên cứu đã giải quyết được các vấn đề then chốt và phát triển sáng tạo thành công tổ hợp các giải pháp công nghệ riêng, phù hợp để vận chuyển hỗn hợp dầu khí và khí trong điều kiện dầu nhiều paraffin, nhiệt độ chất lưu vận chuyển thấp hơn nhiệt độ đông đặc của dầu bằng đường ống ngầm, quyết định việc đưa mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng làm cơ sở kết nối các mỏ khác ở bể Cửu Long vào khai thác, đưa Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu khí thế giới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Việt Nam.
Theo ông Tống Cảnh Sơn, sau mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro đã phát hiện 6 mỏ dầu - khí khác có giá trị công nghiệp, gồm: Rồng, Đại Hùng, Nam Rồng - Đồi Mồi, Thiên Ưng - Mãng Cầu, Gấu Trắng và Thỏ Trắng. Tuy nhiên, tại lô 09-1, ngoài mỏ Bạch Hổ có trữ lượng thu hồi lớn, các mỏ còn lại đều có quy mô trữ lượng thu hồi nhỏ, nếu phát triển khai thác với hệ thống công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển độc lập đòi hỏi chi phí lớn, sẽ không có hiệu quả kinh tế. Nhờ kết nối các mỏ nhỏ này với hệ thống công nghệ mỏ Bạch Hổ hay mỏ Rồng thành công đã giảm 30% - 50% chi phí đầu tư và vận hành khai thác.
Bên cạnh đó, công trình góp phần rút ngắn thời gian thi công công trình, giảm chi phí đầu tư, giảm mức độ rủi ro của dự án, góp phần đưa các mỏ mới, đặc biệt là các mỏ nhỏ, cận biên ở bể Cửu Long vào khai thác sớm hơn từ 2 - 3 năm và với chi phí đầu tư ít hơn.
Theo ông Từ Thành Nghĩa, với sản lượng dầu hơn 177 triệu tấn khai thác được trong đá móng, hoàn toàn mới, chưa từng gặp trên thế giới bằng chính công nghệ nội địa, Vietsovpetro cũng tạo ra động lực thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư trên 12 tỷ USD vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Không chỉ ý nghĩa về mặt kinh tế, những công nghệ hỗ trợ khai thác dầu trong điều kiện đặc thù cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng, tâm huyết của những kỹ sư dầu khí Việt, những người đã và đang làm lợi cho đất nước bằng việc nung chảy mạch dầu thô.
GIA QUẢNG