Cục trưởng Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà:

Gặp trở ngại khi đăng ký thế chấp tài sản, có thể gọi ngay cho Cục Quản lý nhà

Tháo gỡ vướng mắc về “sổ hồng” Sẽ sớm có hướng dẫn liên bộ
Gặp trở ngại khi đăng ký thế chấp tài sản, có thể gọi ngay cho Cục Quản lý nhà

Gặp trở ngại khi đăng ký thế chấp tài sản, có thể gọi ngay cho Cục Quản lý nhà ảnh 1

Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Gò Vấp. Ảnh: V.D.

- PV: Thưa ông, hiện tại ở TPHCM, nhiều người dân cùng Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị tín dụng đang lúng túng về việc Bộ Xây dựng yêu cầu ngừng việc đăng ký thế chấp tài sản tại phụ lục bổ sung trên “sổ hồng”?

Ông NGUYỄN MẠNH HÀ: Hiện tại, Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo chính thức về những khó khăn từ phía TPHCM. Tôi cũng chưa nhận được thông tin thắc mắc, kêu ca nào từ người dân và tổ chức tín dụng, nếu có chỉ thấy từ báo chí (!?). Về nguyên tắc, nếu có khó khăn thì người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước trả lời.

Bất cứ người dân nào ở TPHCM có khó khăn, có thể gọi ngay cho Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), theo số máy 04.9.760.271 (sau xin số máy lẻ của Cục Quản lý nhà). Chúng tôi có trách nhiệm lắng nghe các vấn đề người dân nêu và giải quyết các vấn đề đó.

- Thưa ông, có một thực tế là người dân không phải lúc nào cũng cần thế chấp để vay ngân hàng cả khoản tiền lớn tương đương giá trị ngôi nhà của họ, còn theo ý kiến của Bộ Xây dựng thì họ lại chỉ được thế chấp một lần ở một tổ chức tín dụng, như thế có thuận lợi cho dân không?

Trách nhiệm nhận thế chấp và cho vay thuộc về ngân hàng. Bộ Xây dựng chỉ tham gia điều chỉnh việc cấp “sổ hồng”, mà thế chấp là nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Trong Luật Nhà ở có nêu: “Người dân chỉ được thế chấp tại một đơn vị tín dụng để tránh việc tranh chấp khi phát mãi tài sản và tránh việc người dân mang một tài sản đi thế chấp nhiều nơi”.

- Như vậy, quan điểm đó của Bộ Xây dựng có “vênh” với Bộ luật Dân sự, và vênh với Nghị định 178/CP (hướng dẫn thực hiện Bộ luật Dân sự) không, thưa ông?

Đây không phải là quy định của Bộ Xây dựng mà là quy định của Luật Nhà ở, do Quốc hội thông qua. Quốc hội đã xem xét, rà soát kỹ khi phê chuẩn luật này. Khi thực hiện, có thể có điểm còn chưa rõ, nhưng tôi cho rằng, nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết khi thông tư liên tịch nêu trên được liên bộ ban hành.

Anh Thư ghi

Tháo gỡ vướng mắc về “sổ hồng” Sẽ sớm có hướng dẫn liên bộ

Thông tư liên tịch hướng dẫn các vấn đề liên quan đến việc đăng ký thế chấp trên “sổ hồng” sẽ sớm được Liên bộ Tư pháp – Xây dựng - Tài nguyên và Môi trường ban hành, trong đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư nói trên. Đó là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) vừa đưa ra sau cuộc họp giữa các bộ ngành liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến cấp “sổ hồng” theo Luật Nhà ở.

Theo ông Hà, tinh thần của thông tư là việc đăng ký tài sản trên “sổ hồng” hoàn toàn không bắt buộc. Nếu người dân có nhu cầu thì cơ quan Nhà nước sẽ giải quyết cho đăng ký. Người dân chỉ có thể đăng ký, thế chấp trên “sổ hồng” tại một cơ quan tín dụng nhưng sẽ được phép đăng ký nhiều lần.

Được biết, việc phát hành “sổ hồng” ở một số địa phương thời gian qua đã phát sinh vướng mắc do mẫu “sổ hồng” không có trang dành cho việc đăng ký thế chấp, khiến một số ngân hàng e ngại, không dám cho người có sổ thế chấp vay vốn. Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh, nhằm tháo gỡ vướng mắc này, ngày 10-4 vừa qua, UBND TP đã chấp thuận cho ghi nội dung đăng ký thế chấp vào trang bổ sung kèm theo sổ hồng; nhưng việc này sau đó đã phải tạm ngừng thực hiện, do không nhận được sự đồng tình của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây nhất của đại diện các bộ ngành liên quan về vấn đề này, một số vướng mắc đáng kể liên quan đến “sổ hồng” vẫn chưa có “lời giải” thấu đáo. Chẳng hạn, theo Luật Đất đai, thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bắt buộc phải được đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; trong khi đó, theo Luật Nhà ở, thế chấp nhà ở không bắt buộc. Như vậy, trường hợp chủ “sổ hồng” (bao gồm cả đất và nhà) chỉ muốn thế chấp đất thì việc đăng ký được thực hiện như thế nào khi mà “sổ hồng” không có trang để ghi biến động?

Tin cùng chuyên mục