Gia đình - Điểm tựa vượt khó

Ngày 25-6, tại TPHCM, 46 gia đình công nhân viên chức – lao động tiêu biểu đã tham dự buổi giao lưu kỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 – 28-6-2011) do Liên đoàn Lao động TP tổ chức. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trắc trở khác nhau nhưng họ có cùng điểm chung là lấy gia đình làm điểm tựa, động lực giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách…

Ngày 25-6, tại TPHCM, 46 gia đình công nhân viên chức – lao động tiêu biểu đã tham dự buổi giao lưu kỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 – 28-6-2011) do Liên đoàn Lao động TP tổ chức. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trắc trở khác nhau nhưng họ có cùng điểm chung là lấy gia đình làm điểm tựa, động lực giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách…

Gia đình anh Nguyễn Vĩnh Phúc và chị Thái Thị Thu Lệ có được thành quả hạnh phúc hôm nay, họ đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách mới đến được với nhau. Cùng cảnh xa quê nên anh vừa động viên, vừa đi làm thêm kiếm tiền giúp chị trang trải cuộc sống. Không thuyết phục được gia đình, nhưng với tình yêu mãnh liệt của mình, anh Phúc, chị Lệ vẫn quyết tâm đến với nhau. “Về làm dâu nhưng không được công nhận là dâu, thậm chí chào bố chồng không trả lời nhưng mình tự hứa với lòng đã thương yêu chồng thì phải thương yêu gia đình chồng” – chị Lệ nhớ lại.

Chị cũng đã hoàn thành chương trình THPT và thi đậu vào Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, sau đó được nhận vào làm việc tại một ngân hàng. Sau hơn 10 năm cưới nhau giờ đây anh chị đã có được 2 cháu gái ngoan xinh và lúc nào trong nhà cũng đầy ắp tiếng cười. Mới đây, sau bao nỗ lực anh chị đã xây được cho mình một ngôi nhà nhỏ ở vùng ven, kết thúc những năm tháng đi ở trọ. “Giờ đây gia đình chồng cũng đã chấp nhận con dâu, dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng điều mình thấy hạnh phúc nhất là được chồng luôn tin tưởng, động viên, an ủi…” – chị Lệ chia sẻ.

Cùng làm công nhân cho một nhà máy, hiểu được hoàn cảnh của nhau nên sau một thời gian tìm hiểu anh Phạm Trường Giang và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh đã quyết định tổ chức lễ cưới. “Khó khăn nhất là khi cháu thứ 2 ra đời bị viêm não nên đến tháng thứ 9 cháu bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phải chạy khắp từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để chạy chữa cho cháu. Thời gian nằm viện của cháu nhiều hơn ở nhà. Tiền viện phí cho cháu phải vay mượn người thân, bạn bè, còn bản thân chị phải nghỉ làm để chăm cháu. Trong lúc khó khăn, cháu lớn lại đau ruột thừa phải mổ…” - chị Linh nhớ lại những ngày đã qua.

Để giảm bớt gian nan, chị chuyển về ở gần bố mẹ để đỡ được một phần chi phí thuê nhà. Do đứa bé bệnh hiểm nghèo tưởng không bình thường nhưng khi nhìn đứa con biết vỗ tay, hai vợ chồng mừng đến rơi nước mắt. “Với tôi, hình ảnh chồng tất bật đi làm về nấu cơm, tay xách cà mên vào viện, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để động viên chồng vượt qua”, chị tâm sự. Với sự quyết tâm của anh chị, khó khăn cũng vượt qua khi con của anh chị khỏi bệnh, kinh tế cũng khá lên. Hiện chị Linh đã vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng CSVN và đang theo học đại học luật, cuộc sống lúc nào cũng tràn ngập yêu thương.

Với gia đình anh Đỗ Viết Đặng và chị Phạm Thị Quyên cùng là công nhân, cuộc sống khó khăn hơn khi anh phát hiện ra mình bị bệnh bướu cổ, phải nhập viện điều trị nhiều lần. Đứa con trai lớn phải gửi về tận Hải Dương nhờ hai bên nội ngoại chăm sóc.

Để chăm lo cho chồng lúc ốm đau, chị Quyên xin nghỉ việc công ty một thời gian không lương để vừa chăm chồng, thời gian rảnh đi lột vỏ tôm gia công kiếm tiền. Bằng tình yêu chân thành, chị đã tiếp thêm cho anh nghị lực, niềm tin để chiến đấu với bệnh tật. “Nếu không có bà xã bên cạnh chia sẻ, động viên trong lúc bệnh tật chắc tôi cũng khó vượt qua. Tôi chỉ biết nói rằng: Em là điểm tựa không thể thiếu của anh và các con” – anh Đặng bày tỏ.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục