Gia đình hạnh phúc, xã hội mới phát triển

Năm 2013 được chọn là Năm Gia đình Việt Nam, với chủ đề “Kết nối yêu thương” và hôm nay 28-6 là Ngày Gia đình Việt Nam - ngày lễ tôn vinh những giá trị nhân văn của gia đình Việt Nam, là dịp để mọi người quan tâm đến nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã  trao đổi với tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Gia đình hạnh phúc, xã hội mới phát triển

Năm 2013 được chọn là Năm Gia đình Việt Nam, với chủ đề “Kết nối yêu thương” và hôm nay 28-6 là Ngày Gia đình Việt Nam - ngày lễ tôn vinh những giá trị nhân văn của gia đình Việt Nam, là dịp để mọi người quan tâm đến nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã  trao đổi với tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Các đôi uyên ương trong lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức.

Các đôi uyên ương trong lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức.

- Phóng viên: Thưa ông, những năm gần đây, có nhiều hiện tượng cho thấy, nền tảng gia đình đang bị lung lay, có nhiều vụ ngoại tình, ly hôn, kiện cáo, bạo hành, thậm chí giết hại nhau giữa những thành viên trong gia đình. Phải chăng đã có sự thay đổi giá trị chuẩn mực làm xáo động gia đình thời nay?

>> TS VÕ VĂN NAM: Hiện nay, gia đình Việt Nam thường chỉ có 1 - 2 con. Cha mẹ có xu hướng quá nuông chìu, yêu thương con mù quáng nên để lại nhiều hệ lụy đáng trách, đáng thương: con cái muốn gì được nấy; xem nhà như quán trọ. Có một bộ phận con cái xem bạn bè quan trọng hơn cả cha mẹ. Đó chính là do thiếu nền tảng chăm sóc giáo dục và gắn kết của gia đình.

Nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình là không được giáo dục đầy đủ từ khi còn nhỏ. Hàng ngày chứng kiến cảnh người lớn đánh đập, chửi bới nhau... sẽ gây tác động sâu trong tiềm thức, lắng đọng trong vô thức. Khi những đứa trẻ ấy lớn lên và có gia đình, sự vô thức đó sẽ trỗi dậy lúc nào không hay và trở thành nguyên nhân tâm lý gây ra bạo lực gia đình. Cũng có nguyên nhân bị tiêm nhiễm từ phim ảnh, thông tin về chuyện bạo lực. Lối sống đua đòi, thực dụng, dễ dãi kết hôn mà chưa tìm hiểu, khi chung sống lộ ra nhiều khuyết điểm, bất đồng trong bối cảnh sức ép cơm áo, gạo tiền, khiến nhiều đôi vợ chồng sớm chia tay. Những đứa con của những cuộc hôn nhân đó lớn lên trong cảnh không còn gia đình, thiếu tình yêu thương từ cha mẹ, rất dễ hư hỏng...

- Việc chống bạo lực gia đình, ngăn chặn tệ nạn xã hội, đưa kiến thức gia đình vào nội dung giáo dục… có thể giúp củng cố nền tảng gia đình một cách hiệu quả không, thưa ông?

Gia đình và xã hội có sự tương tác. Gia đình hạnh phúc, lành mạnh mới giúp xã hội phát triển vững mạnh. Để đất nước phát triển cần có nhân tố con người phát triển trong gia đình hạnh phúc. Gia đình có chức năng và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội. Gia đình chính là hạt nhân, tế bào của xã hội, nên chuyện gia đình cũng là chuyện cần quan tâm của đất nước. Do vậy, toàn xã hội phải cùng quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện cho gia đình phát triển.

Để xây dựng gia đình hạnh phúc, lành mạnh cần quan tâm trang bị kiến thức và ý thức trách nhiệm cho mọi người ngay từ khi chưa lập gia đình. Cần có những lớp tiền hôn nhân để chỉ dạy những điều cần biết trong việc tổ chức cuộc sống gia đình. Đầu tư giáo dục về việc xây dựng nền tảng gia đình trong chương trình giảng dạy, học tập từ nhà trường là đầu tư cho xã hội. Trong nội dung giáo dục phải coi trọng việc dạy học sinh về lòng hiếu thảo - đây là một vấn đề rất quan trọng trong việc củng cố nền tảng gia đình, nhưng đã bị lãng quên trong chương trình giáo dục suốt gần 40 năm qua.

- Mô hình gia đình truyền thống đang có xu hướng bị phá vỡ do tác động của lối sống hiện đại. Có người cho rằng nên quay về với mô hình gia đình truyền thống?

Không nên quay lại mô hình gia đình truyền thống mà phải kết hợp cái xưa với cái hiện đại. Những truyền thống đã lỗi thời thì phải bỏ đi, lấy cái tốt, tinh hoa để kế thừa, phát huy và kết hợp với hiện đại. Ngày nay, người phụ nữ phải đảm đương thêm trách nhiệm xã hội, chứ không như phụ nữ thời xưa. Cho nên sau khi hết công việc xã hội, cha mẹ trở về gia đình, phải cùng phối hợp chăm sóc nuôi dạy con cái. Không nên phân công riêng cha hoặc mẹ đảm đương việc dạy con mà phải cả hai cùng giáo dục, chăm chút cho việc giáo dục con tốt, từng thành viên trong gia đình phải quan tâm lẫn nhau. Dù là mô hình nào thì sự đùm bọc yêu thương và chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình phải được trân trọng, đề cao. Hai yếu tố quan trọng nhất là tình yêu chân thành và ý thức trách nhiệm sâu sắc, thấu đáo trong cuộc sống gia đình. Hạnh phúc gia đình chỉ có được từ sự chia sẻ, hiểu nhau, thấu cảm, sâu sắc, chân thành.

- Xin cảm ơn ông.

HẢI THANH

Tin cùng chuyên mục